|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Liên tiếp gọi vốn trong vài tháng, Loship đang đàm phán cho khoản đầu tư 50 triệu USD

14:38 | 25/10/2021
Chia sẻ
Nếu gọi vốn thành công, Loship đang chứng minh các nhà đầu tư đang dành sự quan tâm rất lớn đến startup Đông Nam Á. Và họ cũng tin tưởng vào tiềm năng của startup Việt như Loship.

Theo thông tin từ Deal Street Asia, startup giao hàng Việt Nam, Loship đang trong quá trình thương thảo với quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, Daiwa Securities Group cùng một số nhà đầu tư khác với mục tiêu gọi 50 triệu USD trong vòng Series C.

Đây là lần thứ ba trong năm nay, startup của Việt Nam đi gọi vốn. Trước đó, hồi tháng 2/2021, ứng dụng giao hàng này gọi vốn thành công từ nhà đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.

Hồi tháng 8, Loship đã hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Serie C trị giá 12 triệu USD, được dẫn dắt bởi BAce Capital (quỹ đầu tư được hậu thuận bởi Ant Grouo của tỷ phú Jack Ma) và Sun Hung Kai, nâng mức định giá của startup này lên 100 triệu USD, theo TechCrunch.

Liên tiếp gọi vốn trong năm 2021, Loship đang đàm phán cho khoản đầu tư 50 triệu USD - Ảnh 1.

Loship liên tục gọi vốn trong năm 2021. (Ảnh: Nikkei Asia).

Bên cạnh đó, Loship đang đặt mục tiêu trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sau hơn một thập kỷ, CEO Loship nói với Nikkei. Tham vọng của Loship được thể hiện trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các startup trong khu vực Đông Nam Á.

Hành trình khởi nghiệp của CEO Nguyễn Hoàng Trung với Loship bắt đầu từ 4 năm trước, tại một căn hộ nhỏ. Ông Trung cùng những người đồng đội nảy ra ý tưởng ban đầu về ứng dụng review ăn uống Lozi (ngày nay là công ty chủ quản của Loship) và dần phát triển nó đến bây giờ.

Ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh các ông lớn ngoại đang chia nhau miếng bánh giao hàng, Loship là startup Việt duy nhất bám trụ, hiện Loship đang có khoảng 2 triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam, nơi vốn tăng trưởng nhanh nhưng cũng có mức độ cạnh tranh rất cao. Giống các startup giao hàng khác, Loship phải đối mặt với nhiều trở ngại do các lệnh giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam vì đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship, tự tin rằng Loship có thể vượt qua cơn khủng hoảng và mở rộng bằng cách hướng đến các đơn hàng có biên lợi nhuận cao và sao chép chiến lược của các công ty Internet Trung Quốc. 

Ở Việt Nam, quốc gia có 98 triệu dân, Loship phải cạnh tranh với trên dưới 10 đối thủ khác nhau, từ AhaMove (công ty được Temasek đầu tư) cho tới các "ông lớn" khu vực như Gojek và Grab.

"Chúng tôi đang gặp tình trạng thiếu tài xế nhưng các đối thủ cũng vậy. Ông có cơ hội để chúng tôi cạnh tranh trong lĩnh vực này", ông Trung nói trong một cuộc phỏng vấn qua video với Nikkei. Theo ông Trung, Loship sẽ mở ra nhiều dịch vụ mới trong tương lai, nhưng tất cả đều xoay quanh một trọng tâm duy nhất là lực lượng tài xế. 

"Là một công ty Việt Nam với xuất phát điểm luôn khiêm tốn, chúng tôi chưa bao giờ cho rằng hy sinh doanh thu để lấy thị phần là cách phát triển tốt. Thay vào đó, biết rõ đâu là thị trường mình có thể lỗ và đâu là thị trường phải lời sẽ giúp cho công ty đi nhanh hơn trong thời gian tới", ông Trung nói.

Thùy Trang