|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liên Hợp quốc: 2% tài sản ròng của Elon Musk đủ để giải quyết nạn đói toàn cầu

12:04 | 27/10/2021
Chia sẻ
Ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc cho biết những người siêu giàu như Elon Musk hay Jeff Bezos có thể giúp giải quyết nạn đói thế giới với chỉ một phần nhỏ tài sản.
2% tài sản của Elon Musk đủ để giải quyết nạn đói toàn cầu - Ảnh 1.

Ông David Beasley, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: CNN).

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Beasley kêu gọi các tỷ phú "đóng góp ngay bây giờ và chỉ một lần". Ông nêu tên cụ thể hai người giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Elon Musk.

"6 tỷ USD để giúp đỡ 42 triệu người chắc chắn sẽ chết nếu chúng ta chỉ đứng nhìn. Việc này không hề phức tạp", ông nói thêm.

Theo Bloomberg, CEO Elon Musk của Tesla có giá trị tài sản ròng gần 287 tỷ USD. Điều này có nghĩa là khoản quyên góp 6 tỷ USD chỉ tương đương hơn 2% tài sản ròng của ông. 

Liên Hợp quốc: 2% tài sản ròng của Elon Musk đủ để giải quyết nạn đói toàn cầu - Ảnh 2.

Tài sản ròng của giới tỷ phú Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu, vào khoảng 5.040 tỷ USD tính đến tháng 10, theo Viện Nghiên cứu Chính sách và Người Mỹ vì Công bằng Thuế.

Một "cơn bão hoàn hảo" bao gồm các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều quốc gia đang cận kề nạn đói, ông Beasley chỉ ra.

Theo báo cáo mới công bố của WFP, một nửa dân số Afghanistan – 22,8 triệu người – đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Báo cáo kết luận rằng tình trạng thất nghiệp lan tràn và khủng hoảng thanh khoản đồng nghĩa với việc Afghanistan đang đứng trên bờ vực khủng hoảng nhân đạo và 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang gặp rủi ro, báo cáo kết luận.

Tuần trước, loạt báo cáo từ chính quyền Biden phát đi cảnh báo mạnh mẽ: Tác động của biến đổi khí hậu sẽ là rộng khắp và gây ra vấn đề cho mọi chính phủ.

Chính quyền Biden mô tả chỉ tiết cách biến đổi khí hậu làm thúc đẩy làn sóng di cư. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ công nhận mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và di cư. WFP đã cảnh báo về hiện tượng này trong quá khứ, đặc biệt là ở khu vực "Hành lang Khô" tại Trung Mỹ.

"Lấy ví dụ về Mỹ và khu vực "Hành lang Khô" ở Trung Mỹ gồm Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua. Chúng tôi đang nuôi sống rất nhiều người ở khu vực đó và khí hậu không ngừng thay đổi với các trận cuồng phong và lũ quét; tình hình rất thảm khốc", ông Beasley chia sẻ.

Tại Ethiopia, WFP ước tính có 5,2 triệu người đang cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp ở vùng Tigray, nơi Thủ tướng Abiy Ahmed chỉ huy cuộc tấn công lớn chống lại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray từ năm ngoái. Hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng, trong khi hơn 2 triệu người phải đi khỏi nơi ở.

Các tổ chức nhân đạo như WFP gặp rất nhiều trở ngại trong việc mang đồ tiếp tế đến khu vực, khiến khủng hoảng càng trầm trọng.

Ông Beasley nói trong cuộc phỏng vấn với CNN: "Tôi không biến người dân vùng Tigray lấy đâu ra thực thẩm. Chúng tôi cạn sạch nhiên liệu. Chúng tôi hết tiền để trả cho nhân viên và cũng không thể đưa xe tải đến".

Giang