|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung đề xuất tài trợ lập quy hoạch KĐT 15.000 ha tại Lâm Đồng

09:53 | 30/06/2021
Chia sẻ
Khu đô thị mới rộng 15.000 ha do Liên danh 'khủng' Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung tài trợ lập quy hoạch thuộc huyện Lâm Hà và một phần huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng.

Mới đây, Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group (Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung) vừa có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Lâm Hà.

Qua khảo sát và nghiên cứu khu đất diện tích khoảng 15.000 ha thuộc huyện Lâm Hà, Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung nhận thấy khu đất phù hợp với mục tiêu hình thành một "Khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng".

Trong đó nổi bật là đô thị kết hợp với khoa học – giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái – dịch vụ. Dự án được định hướng tạo tính đột phát để phát triển đô thị mới giảm sức ép dân số cho đô thị trung tâm Đà Lạt…

Liên danh 'khủng' Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung tài trợ lập quy hoạch KĐT 15.000 ha Lâm Đồng - Ảnh 1.

Một góc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: lamdong.gov.vn).

Theo đó, Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung đề nghị UBND tỉnh này xem xét và chấp thuận việc đề xuất và mong muốn được tiếp cận thông tin dự án, tài trợ khảo sát, lập quy hoạch tại vị trí nêu trên, đóng góp một phần công sức, trí tuệ và tính thực tiễn khi định hướng quy hoạch và tiết kiệm nguồn ngân sách của địa phương.

Đồng thời, Liên danh cũng đề xuất được tiếp cận và đăng ký đầu tư trên khu đất theo phương thức phù hợp với quy định pháp luật.

Sau khi tham khảo ý kiến các Sở ngành liên quan, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua đối chiếu thì phạm vi 15.000 ha Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung đề xuất được xác định bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng.

Việc đề xuất tài trợ lập quy hoạch khu vực trên với mục tiêu hình thành Khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng", trong đó nổi bật là: đô thị kết hợp với khoa học – giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái – dịch vụ,…là phù hợp với định hướng phát triển của thị trấn Nam Ban – đô thị vệ tinh kết nối với Đà Lạt.

Với các nội dung như trên, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh này xem xét, chấp thuận chủ trương cho Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung được nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch chung xây dựng khu chức năng với quy mô 15.000 ha như đề xuất.

Trong đó, Liên danh nói trên phải chịu mọi chi phí, rủi ro trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập đồ án; phải hợp đồng với đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm theo quy định nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Liên danh phải bàn giao toàn bộ hồ sơ cho địa phương (không yêu cầu bồi hoàn kinh phí và không gắn với bất cứ điều kiện nào) để quản lý thực hiện quy hoạch, kêu gọi thu hút đầu tư, đấu nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng lưu ý, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thực hiện theo các quy định về đấu thầu, đất đai, đầu tư và các quy định khác có liên quan.

Liên quan đến Liên danh Hưng Thịnh – Đèo Cả - Nam Miền Trung, tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX diễn ra hồi cuối tháng 3/2021, 100% đại biểu dự họp đã thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP) do liên danh này làm chủ đầu tư.

Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 67 km từ xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đến điểm giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.408 tỷ đồng.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ) thì khu vực trên được xác định gồm thị trấn Nam Ban và các xã lân cận, khu vực trên được quy hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp, một phần đất rừng sản xuất.

Khu vực được Liên danh nói trên đề xuất là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, quỹ đất nông nghiệp lớn, giáp với TP Đà Lạt, phù hợp với định hướng phát triển mở rộng không gian thị trấn Nam Ban (theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, thị trấn Nam Ban được định hướng phát triển thành đô thị loại IV đến năm 2025 và 2035) với chức năng là đô thị vệ tinh kết nối với TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng, chia sẻ một số chức năng nhằm giảm tải áp lực dân số, hạ tầng với TP Đà Lạt.

Các khu vực rừng sản xuất có thể định hướng phát triển các loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng, chia sẻ chức năng với KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Khải An