Hưng Thịnh và Đèo Cả muốn đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 18.200 tỷ đồng
Đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo hình thức PPP
Mới đây, Thường trực tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc với liên danh nhà đầu tư gồm CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung để nghe nhà đầu tư báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây đựng dường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thường trực tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, căn cứ vào kế hoạch phát triển của địa phương giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh ủy Lâm Đồng đã thống nhất chọn phương án hướng tuyến 1 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo báo cáo, đề xuất của liên danh nhà đầu tư để triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Đồng thời, tỉnh giao cho liên danh nhà đầu tư tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư dự án đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp triển khai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208 km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hiện tại, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19 km đã hoàn thành.
Vào thời điểm năm 2014, Bộ Giao thông vận tải tính toán toàn bộ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nếu đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25 m với tổng chiều dài gần 200 km cần đến 65.000 tỷ đồng.
Đoạn đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 67 km, quy mô 4 làn xe thuộc tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016. Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỉ đồng.
Liên danh "khủng"
Liên danh nhà đầu tư gồm Đèo Cả, Hưng Thịnh, Nam Miền Trung. Trong ba liên danh nói trên, ngoại trừ Nam Miền Trung được xem khá kín tiếng, còn lại Đèo Cả và Hưng Thịnh đều là những tập đoàn nổi tiếng với việc sở hữu và triển khai nhiều dự án có vốn đầu tư lớn.
Cụ thể, Đèo Cả được ví là "trùm" BOT khi sở hữu nhiều trạm BOT và các công trình hầm đường bộ BOT Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông. Mới đây, đơn vị này nằm trong liên danh trúng thầu cao tốc Câm Lâm - Vĩnh Hảo 8.900 tỷ đồng.
Hưng Thịnh được biết đến là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với quỹ đất hàng nghìn ha và nhiều dự án quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 12/2020, Hưng Thịnh và Đèo Cả đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Cùng ngày, Đèo Cả và Hưng Thịnh Incons, đơn vị tổng thầu thi công và xây dựng của Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác mở rộng thị trường từ xây dựng dân dụng, công nghiệp sang hạ tầng, giao thông, vật liệu xây dựng cơ bản, công nghệ vật liệu mới.
Hai doanh nghiệp sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực thi công, xây lắp và hạ tầng.
Theo đó, hai bên sẽ liên danh, liên kết đấu thầu, đầu tư và thi công các dự án về hạ tầng và dự án xây dựng, đồng thời mở rộng nghiên cứu các dự án về vật liệu xây dựng nhân tạo trong tương lai.
Mới nhất, ngày 22/2, HĐQT Hưng Thịnh Incons đã thông qua nghị quyết bầu ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả làm thành viên độc lập HĐQT giữ chức danh phó chủ tịch HĐQT công ty.
HĐQT Hưng Thịnh Incons gồm 6 thành viên, ông Nguyễn Đình Trung đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Hồ Minh Hoàng và ông Trương Văn Việt đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT.