Vì sao HTC chưa chịu 'đóng nắp quan tài' mảng di động?
Galaxy Note10, iPhone 11 hay Google Pixel 4 là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây. Điều này khiến nhiều người "quên" mất sự tồn tại của một thương hiệu mang tên HTC, nhà sản xuất từng đi đầu trong ngành công nghiệp smartphone.
Các nguồn tin rò rỉ gần đây chỉ ra rằng HTC chuẩn bị ra mắt một thiết bị tầm trung với tên gọi Desire 19+ tại thị trường châu Âu. Như vậy, hãng di động Đài Loan thực sự vẫn chưa "chết".
Mẫu HTC U12+ là smartphone cao cấp nhất của hãng tính đến nay. Ảnh: Android Authority.
Vài năm qua, người ta bàn nhiều về "cái chết" của HTC. Công ty liên tục rơi vào tình cảnh thua lỗ từ tháng này sáng tháng khác, quý này sang quý khác.
Hơn 1 năm sau khi chiếc U12+ ra mắt, chưa có dấu hiệu cho thấy nó sẽ có sản phẩm kế nhiệm. Những thứ khiến người dùng nhớ tới nhà sản xuất Đài Loan chỉ là một số thiết bị tầm trung có giá cao và chiếc smartphone kỳ lạ Exodus 1.
Việc HTC gần như bị loại khỏi thị trường không có gì mới mẻ nhưng người ta tự hỏi tại sao, hãng này chưa rời bỏ cuộc chơi di động. Chắc chắn, chẳng ai đủ niềm tin để cho rằng HTC đang "ủ mưu" để cướp ngôi của những Apple, Samsung. Họ tồn tại một cách èo uột với mục đích gì?
Chờ đợi cuộc chơi 5G
Hiện tại chưa phải thời điểm nhưng 5G sẽ đổi bộ mặt của ngành công nghiệp di động không sớm thì muộn. Một số nhà phân tích nhận định sản lượng smartphone bán ra trên toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại sau khi mạng 5G trở nên phổ biến và tốc độ download thực tế tiệm cận với mức các nhà mạng công bố.
Thực tế, năm 2018, HTC đã ra mắt thiết bị 5G đầu tiên mang tên HTC 5G Hub. Dù không phải là một mẫu smartphone, nhưng thiết bị này đã giúp HTC chứng minh cho các đối tác thấy rằng công ty hoàn toàn sẵn sàng với công nghệ 5G.
Chiếc HTC 5G Hub là sản phẩm để HTC "khoe" công nghệ. Ảnh: The Verge.
HTC 5G Hub được phân phối độc quyền tại Mỹ thông qua nhà mạng Sprint. Cuối tháng 7 vừa qua, nhà mạng này đã chính thức được sáp nhập vào T-Mobile. Với tiềm lực sẵn có của cả 2 nhà mạng, HTC 5G Hub sẽ có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều khách hàng lớn.
Trong quá khứ, HTC từng là nhà sản xuất tiên phong khi tạo ra những chiếc smartphone 4G đầu tiên cho nhà mạng Sprint vào năm 2010 và Verizon vào năm 2011.
Hiện tại, sự hiện diện của công ty Đài Loan trong ngành công nghiệp di động không còn mạnh mẽ như trước. Tuy nhiên, so với nhiều hãng di động Trung Quốc, HTC vẫn có được lợi thế khi không bị hạn chế các hoạt động tại thị trường Mỹ.
Danh tiếng quá khứ vẫn "đáng tiền"
Theo Counterpoint Research, HMD Global đã bán được 4,8 triệu chiếc smartphone mang nhãn hiệu Nokia trên toàn thế giới trong quý II/2019. Con số trên không thực sự lớn, nhưng nó đã tốt hơn rất nhiều so với Nokia vào 3 năm trước.
Nokia mới được hồi sinh đã nhanh chóng thích nghi với xu hướng hiện tại. Hãng phát hành hàng loạt thiết bị chạy nền tảng Android thuần, thông số kỹ thuật tốt cùng với giá bán hợp lý.
Không chỉ đưa Nokia trở về từ "cõi chết", HMD Global cũng mang trở lại dòng điện thoại “cục gạch" từng rất được ưa chuộng của hãng. Đây cũng là một hướng đi tốt mà HTC có thể hướng đến.
Sau nhiều dự án và thử nghiệm thất bại, giữa tháng 7, một nguồn tin từ Nga cho biết công ty Đài Loan đang chuẩn bị ra mắt smartphone mới thuộc dòng Wildfire.
Đây được xem là ý tưởng hay từ HTC khi nó có thể khơi gợi lại tình cảm từ phía người hâm mộ với các sản phẩm của hãng. Đồng thời, nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến dòng Desire hiện tại.
HTC Dream là chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Android Police.
Bên cạnh đó, để thành công, chúng cần phải có giá cả phải chăng và chạy nền tảng Android gốc của Google để được hỗ trợ cập nhật phần mềm nhanh nhất.
Thậm chí, hãng cũng có thể hồi sinh cả bàn phím QWERTY tương tự cách BlackBerry từng làm với những chiếc smartphone Android của mình. Sẽ thật thú vị nếu hãng phát hành một chiếc HTC Dream mới với màn hình trượt cảm ứng kết hợp bàn phím vật lý và chạy hệ điều hành Android gốc.
Thị trường cần sự đa dạng
HTC đã ra mắt chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới, cũng là hãng di động đầu tiên làm cụm camera kép trên điện thoại. Hiện tại, công ty đang đánh cược tất cả vào công nghệ blockchain với dòng Exodus. Tuy nhiên, thành công khó có thể đến trong tương lai gần và HTC hiện đã không còn đủ thời gian cũng như tiền bạc để kéo dài cuộc chơi.
Với tình hình kinh doanh hiện tại, HTC sẽ cần đến một phương án an toàn hơn. Tháng 7/2019, HTC đạt được doanh thu 14 triệu USD bao gồm cả mảng smartphone và thiết bị VR. Con số này chỉ tương đương với doanh thu mà iPhone mang lại cho Apple mỗi giờ trong quý II/2019.
Có thể thấy, HTC không còn khả năng chịu thêm bất cứ rủi ro nào khác. Điều đơn giản nhất hiện tại hãng có thể làm là cấp phép thương hiệu cho một công ty khác. Với cách này, hãng có thể tiếp tục duy trì thương hiệu HTC và mối quan hệ với các đối tác quan trọng từ Mỹ.