|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lên Shark Tank gọi vốn, startup của Lương Xuân Trường khiến Shark Liên và Shark Phú đua nhau rút vé vàng

06:30 | 11/07/2022
Chia sẻ
Shark Liên “chốt” vé vàng ở mức 500 triệu đồng để giành quyền đàm phán và cam kết đầu tư 7 tỷ vào startup IRC.

 Lương Xuân Trường và Nguyễn Việt Hùng, 2 người đồng sáng lập của Trung Tâm Phục Hồi Chấn Thương Thể Thao Quốc Tế (IRC) trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tập 6 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ” mùa thứ 5 gây bất ngờ cho người xem với màn gọi vốn của tiền vệ Xuân Trường và người đồng hành Nguyễn Việt Hùng cho Trung Tâm Phục Hồi Chấn Thương Thể Thao Quốc Tế (IRC), startup mà anh và Nguyễn Việt Hùng là 2 người đồng sáng lập. IRC muốn kêu gọi 3,5 tỷ cho 5% cổ phần.

Bắt đầu phần gọi vốn, Lương Xuân Trường chia sẻ lý do thôi thúc anh khởi nghiệp cùng IRC xuất phát từ chính những trải nghiệm của cá nhân anh khi bị chấn thương thể thao hoặc chứng kiến các đồng đội của mình gặp phải những chấn thương khiến họ thường phải ra nước ngoài để chữa trị hoặc thậm chí là phải giải nghệ.

Sau khi trở về từ đợt điều trị chấn thương tại Hàn Quốc, Lương Xuân Trường có cơ hội gặp gỡ các bác sỹ và các phẫu thuật viên tại Việt Nam và nhận được thống kê rằng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi nơi có từ 500 – 1000 ca phẫu thuật mỗi năm chỉ riêng đối với dây chằng (chưa kể đến các bệnh lý cơ xương khớp khác).

Sau khi phẫu thuật, các bệnh nhân thường nhận được các giáo án để tự luyện tập tại nhà cùng lịch hẹn tái khám sau từ 3 đến 6 tháng với rủi ro nằm ở việc người bệnh có thể gặp phải nhiều vấn đề trong thời gian tập tự phục hồi nhưng lại không được hỗ trợ kịp thời.

Về phần mình, anh Nguyễn Việt Hùng cho biết IRC hiện có 4 sản phẩm chính là phục hồi chấn thương và các bệnh lý liên quan đến cơ, xương, khớp; bài tập phòng tránh chấn thương; dinh dưỡng để đảm bảo cho quá trình phục hồi và điều trị tâm lý. Trong số này, các sản phẩm liên quan đến phục hồi chấn thương và phòng tránh chấn thương là các sản phẩm mà IRC đã và đang vận hành.

Anh Hùng khẳng định IRC không chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là những người chơi thể thao chuyên nghiệp mà còn dành cho những người chơi thể thao phong trào và những người có bệnh lý về cơ, xương, khớp. Nhóm khách hàng mục tiêu của IRC là từ trung cấp trở lên.

Dự án IRC bắt đầu được khởi động từ tháng 5/2020, tuy nhiên, sau thời gian đào tạo và chuẩn bị, phải đến tháng 3/2021 nó mới chính thức đi vào hoạt động. IRC đã có 341 lượt khách cho tới tháng 4/2022 cùng doanh thu rơi vào khoảng 3,5 tỷ đồng. Hiện tại, IRC đang lỗ, một phần do thời gian 6 tháng không hoạt động do COVID-19.

Về vấn đề chuyên môn, anh Hùng cho biết Việt Nam hiện chưa có các khoá đào tạo liên quan đến y học thể thao, vì thế, IRC hiện vẫn đang ưu tiên tìm kiếm các chuyên gia nước ngoài để vừa làm việc vừa đào tạo cho đội ngũ trong dài hạn. Đến đây, Xuân Trường nói rằng ước mơ của anh là IRC sẽ được vận hành hoàn toàn bởi người Việt cho người Việt trong tương lai. Anh Hùng cho biết để một kỹ thuật viên có kỹ năng thuần thục dưới sự hướng dẫn của chuyên gia có thể cần tới 3 năm.

Sau khi nghe phần trình bày, các Shark đặt ra câu hỏi về sự khác biệt giữa sản phẩm của IRC và các trung tâm vật lý trị liệu tại Việt Nam. Lương Xuân Trường chia sẻ điểm khác biệt nằm ở chuyên môn của các bác sỹ và các giáo án, giáo trình tập phục hồi cho bệnh nhân của IRC. Dù vậy, Shark Linh nói rằng những gì IRC chia sẻ hơi mơ hồ.

Shark Hưng đánh giá các trải nghiệm trực tiếp của Xuân Trường với các dịch vụ phục hồi chấn thương ở nước ngoài và hiểu về nhu cầu khách hàng là một lợi thế của IRC. Bên cạnh đó, Xuân Trường là một KOL và mở một trung tâm về phục hồi chấn thương thể thao là một lợi điểm về marketing đối với startup của anh.

Đến đây, Shark Liên bất ngờ ký tấm vé vàng trị giá 100 triệu đồng cho IRC. Với tấm vé này, Shark Liên có quyền trực tiếp đàm phán với startup.

Shark Liên chia sẻ mong muốn đầu tư vào IRC vì bà từng phải đưa chồng sang Hàn Quốc để mổ dây chằng đầu gối. Bên cạnh đó, bà cũng đang có một công ty bảo hiểm với nhiều dịch vụ bảo hiểm cho những người chơi thể thao.

Bất ngờ hơn, Shark Phú cũng rút ra vé vàng với giá trị 200 triệu đồng. Shark Phú quan tâm đến các vấn đề về cơ sở vật chất của IRC. Anh Hùng cho biết hiện tại IRC đang thuê văn phòng tại Hà Nội với 2 mặt sàn (125 mét vuông/sàn) cùng 6 nhân viên làm chuyên môn với khả năng phục vụ tối đa 30 khách hàng/ngày.

Shark Liên tiếp tục đưa ra vé vàng 500 triệu đồng để giành lại quyền đàm phán. Shark Phú quyết định dừng “cuộc đua” với Shark Liên. Shark Liên cho biết có thể hỗ trợ chuyên môn với các bác sỹ từ Mỹ và Đức. Bên cạnh đó, Shark Liên cũng đang có sẵn mặt bằng để IRC có thể mở văn phòng tại TP.HCM. Tuy nhiên, Shark Liên muốn đầu tư 3,5 tỷ cho 25% cổ phần. Dù vậy, IRC nói rằng mức cổ phần này là quá cao.

Sau quá trình hội ý, IRC đưa ra đề nghị đầu tư 7 tỷ cho 15% cổ phần. Shark Liên đề nghị 3,5 tỷ cho 15% cổ phần cùng cam kết sẵn sàng cho vay thêm. IRC không thay đổi mức đề nghị của mình. Cuối cùng, Shark Liên đồng ý cam kết đầu tư với 7 tỷ đồng đổi lại 15% cổ phần.

Nam Khánh