|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lật lại hành trình thành lập Trung Nguyên: Bà Thảo tham gia từ thời điểm nào?

09:02 | 23/02/2019
Chia sẻ
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo luôn khẳng định vai trò là đồng sáng lập Trung Nguyên, trong khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ bác bỏ. Về mặt giấy tờ, bà Thảo chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007, sau khi chung sống với ông Vũ 9 năm.
 
lat lai hanh trinh thanh lap trung nguyen ba thao tham gia tu thoi diem nao Ông chủ Trung Nguyên: Tôi chưa bao giờ muốn phân chia cổ tức, cổ phần

Trong vụ ly hôn của hai vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên, việc phân chia cổ phần, phần vốn góp trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên (giá trị 5.654 tỉ đồng) là vấn đề lớn nhất dẫn đến cuộc chiến nảy lửa và không khoan nhượng giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo.

Hiện tại, CTCP Đầu tư Trung Nguyên (TNI) nắm cổ phần chi phối các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Vì vậy, việc phân chia cổ phần tại TNI là mấu chốt quyết định ai là người nắm quyền điều hành cả Tập đoàn Trung Nguyên. Về mặt pháp lý, TNI được thành lập sau hôn nhân của ông Vũ và bà Thảo, nên nó là tài sản chung của hai vợ chồng.

lat lai hanh trinh thanh lap trung nguyen ba thao tham gia tu thoi diem nao
Cơ cấu các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Ảnh: Tuệ An.

Hiện nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang nắm 61,66% (trong đó có 1,66% được thừa kế từ ông Đặng Mơ là bố ông Vũ) tại TNI, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm 30%, mẹ ông Vũ là bà Lê Thị Ước nắm 6,68% và chị gái ông Vũ nắm 1,66%.

Ông Vũ yêu cầu chia cổ phần theo tỉ lệ 7/3 đối với toàn bộ các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Nếu theo phương án này thì sau ly hôn, riêng ông Vũ sẽ sở hữu 64,66% TNI – là người toàn quyền quyết định tại Trung Nguyên, còn bà Thảo nắm 27% TNI và sẽ không có quyền phủ quyết Tập đoàn.

Còn theo yêu cầu của bà Thảo, bà muốn nắm 51% cổ phần tại TNI và 15% trong CTCP Tập đoàn Trung Nguyên. Theo phương án này, bà Thảo là người có tiếng nói chính tại Tập đoàn.

Trước hai yêu cầu khác nhau từ phía hai bên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được phương án phân chia tài sản thì Tòa án giải quyết theo quy định, và phân chia tài sản dựa trên công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Bên cạnh đó, Toà sẽ xem xét các yếu tố như hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…

Vậy lật lại hành trình xây dựng thương hiệu Trung Nguyên, bà Thảo đã góp công sức như thế nào?

Bà Thảo chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007, sau khi chung sống với ông Vũ 9 năm

Trong một lần chia sẻ với Tuổi trẻ cách đây 5 năm, ông Vũ kể lại việc bắt đầu kinh doanh xuất phát từ nỗi đau đáu thoát nghèo. Vũ và ba người bạn thân cùng phòng trọ hùn tiền mua một lò rang cà phê, sở hữu bí quyết rang cà phê ngon từ một bà chủ tốt bụng.

Lò rang cà phê của 4 cậu thanh niên mấy lần khai trương rồi lại dẹp tiệm. Logo của những bịch cà phê lúc ấy là một mũi tên chĩa thẳng lên trời, chứa những khát vọng của Đặng Lê Nguyên Vũ. Trời không phụ lòng người, đã có những vị khách tỏ ra yêu thích vị cà phê của 4 chàng trai trẻ.

Theo lời kể của ông, đến năm 1996, cả 4 chàng trai cùng lăn lê bò trườn, tự tay vẽ nên tấm bảng hiệu đơn sơ và cho ra đời “hãng” cà phê được tại cây số 3 (TP Buôn Ma Thuột). Ông từng nhận định ngày khai trương cửa tiệm đơn sơ này là một sự kiện trọng đại trong đời và lịch sử phát triển của thương hiệu Trung Nguyên.

Tuy nhiên sau đó, “hãng” cà phê đã vấp phải thất bại ê chề trong những thời gian đầu. Điều đó khiến ông nhận ra: “hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Câu chuyện được kể cách đây 5 năm có phần trùng khớp với thông tin mà phía truyền thông Trung Nguyên cung cấp, Trung Nguyên thành lập cơ sở kinh doanh vào ngày 15/8/1996, do ông Vũ là chủ cơ sở kinh doanh.

Sau đó hai năm, bà Thảo và ông Vũ kết hôn vào năm 1998

Đến năm 1999, cơ sở chuyển thành Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên.

Tháng 12/2002, Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên chuyển thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên với hai thành viên là Đặng Lê Nguyên Vũ và người cha là ông Đặng Mơ.

Đến ngày 27/4/2007, từ Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên chuyển đổi thành CTCP Cà phê Trung Nguyên và theo Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần phải có ít nhất ba cổ đông. Vì vậy, ông Vũ và cha đồng ý cho bà Thảo tham gia và cơ cấu công ty với tỷ lệ cổ phần là 10% vốn điều lệ.

Về mặt pháp lý, phía Trung Nguyên lập luận bà Thảo chỉ chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007 và tính đến nay là mới hơn 11 năm.

Đến năm 2009, Trung Nguyên Investment (TNI) – công ty nắm quyền chi phối Tập đoàn Trung Nguyên sau này, mới ra đời. TNI nắm 70% cổ phần của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên. Theo thông tin từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, 4 cổ đông sáng lập TNI ban đầu gồm ông Vũ (nắm 60% cổ phần), bà Thảo (nắm 30% cổ phần) và bố mẹ ông Vũ (mỗi người nắm 5% cổ phần).

Như vậy về mặt giấy tờ, bà Thảo chính thức có tên trong Trung Nguyên vào năm 2007, tức là sau khi chung sống với ông Vũ 9 năm. Ông Vũ và Trung Nguyên phủ nhận vai trò đồng sáng lập của bà Thảo tại Trung Nguyên.

Tại phiên toà ngày 21/2, ông Vũ to tiếng: "Đừng bao giờ nói đóng góp đồng nào vào Trung Nguyên. Tôi phải mượn từng bao cà phê, mượn rồi trả cho người ta. Người ta thương vì mình khát khao, thiện lương thiện lành nên giúp dựng Trung Nguyên bắt đầu từ năm 1996, lấy cô về là năm 1998. Không ai phủ nhận. Nhưng nói cái gì không phải của mình".

Mẹ ruột của ông Vũ – bà Lê Thị Ước, khẳng định: "Khi cô Thảo về cũng góp sức nhưng tiền bạc thì không". Bà nói, ông Vũ có mong muốn kinh doanh cà phê từ khi còn học đại học nên đã bàn với gia đình bán nhà, vay mượn của bạn để kinh doanh và khẳng định bà Thảo hoàn toàn không có mặt trên hành trình thành lập Trung Nguyên.

Ngược lại, bà Thảo khẳng định vai trò đồng sáng lập Trung Nguyên

Tuy nhiên, những điều mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ lại hoàn toàn khác. Bà luôn khẳng định bà đóng vai trò đồng sáng lập và cùng xây dựng nên thương hiệu Trung Nguyên.

“Chúng tôi yêu nhau từ cuối năm 1994. Đến năm 1996 thì cùng góp vốn để mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên. Năm 1997, anh Vũ phá sản lần đầu sau khi bỏ tiền đầu tư vào vùng Long Xuyên. Bao nhiêu vốn liếng trong hai năm mất cả”, bà kể.

Sau đó, bà quyết định nghỉ công việc đối ngoại để kết hôn cùng ông Vũ vào năm 1998, vì mong muốn chia sẻ khó khăn và hỗ trợ chồng mình kinh doanh.

Bà Thảo từng chia sẻ câu chuyện vợ chồng cùng nhau xây dựng sự phát triển của thương hiệu Trung Nguyên: "Bắt đầu từ căn nhà gỗ nhỏ 2,8m bề ngang tại Buôn Mê Thuột, vợ chồng tôi bàn nhau xây dựng chiến lược khai phá thị trường sao cho độc đáo mà vẫn cần sự chuyên nghiệp ngay từ những điều nhỏ nhất. Chúng tôi chọn gam nâu đỏ bazan của vùng đất Tây nguyên và slogan 'Khơi nguồn sáng tạo' cho bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời 'phân vai' nhau rõ ràng: anh ra ngoài làm hình ảnh, tôi ở trong quản lý."

Nói về việc thành lập TNI vào năm 2009, bà Thảo từng kể rằng: "Anh Vũ và tôi cùng sáng lập công ty, nhưng khi cổ phần hóa thì cần tối thiểu 3 thành viên, nhưng khi cổ phần hóa thì cần tối thiểu 3 thành viên. Chúng tôi thống nhất đưa ba má anh vào làm cổ đông. Con số thì 'ghi đại', chồng 60%, vợ 30%, ba má chồng chung nhau 10%. Với chúng tôi khi ấy, việc chuyển tiền hay cổ phần cho nhau giống như việc mình tự chuyển tiền của chính mình, từ túi phải qua túi trái vậy. Tôi chưa bao giờ tính toán với anh bất cứ điều gì".

Nội tình câu chuyện này đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Phiên toà xét xử vụ ly hôn sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 25/2 tới. Chia 7/3, 51/49 hay 50/50, bản chất là hai con người từng là vợ chồng đồng cam cộng khổ và dành tâm huyết với Trung Nguyên, đều muốn giành quyền điều hành Trung Nguyên để phát triển theo hai con đường từ lâu đã không còn chung lối.

Xem thêm

Tuệ An