|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lao động nhập cư châu Á phơi mình dưới nắng nóng để mưu sinh

06:42 | 08/08/2022
Chia sẻ
Khó tiếp cận với các giải pháp làm mát như điều hoà, quạt máy,...và ít được chính phủ các nước quan tâm, người lao động nhập cư châu Á đang phải đằm mình trong cái nắng nóng kỷ lục để kiếm sống.

Ngất xỉu vì nắng nóng

Giữa buổi chiều của một ngày thứ Bảy oi bức, Raj - một người lao động đến từ vùng tây bắc Ấn Độ, bắt đầu cảm thấy chóng mặt khi anh bê những bao bê tông và cát nặng trịch tại một công trường xây dựng ở trung tâm Singapore.

Nhiệt độ đã lên tới 34 độ C, nhưng Raj vẫn tiếp tục làm việc bất chấp cái nóng và nhanh chóng bị đau đầu. Trong vài phút ngắn ngủi, anh khuỵu xuống và nôn mửa. Raj chia sẻ: “Tôi thấy rất mệt. Đầu quay cuồng và chân thì chùng xuống”.

Ông bố hai con này là một trong hàng triệu lao động nhập cư ở châu Á, những người đang làm việc trên khắp các công trường, xưởng đóng tàu, hầm mỏ, nhà máy, trang trại và đồn điền.

Đồng thời, Raj còn là một trong hàng triệu người mà các chuyên gia cảnh báo là rất dễ bị tổn thương do phải tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm quá cao bên ngoài trời trong thời gian dài. Raj nói: “Cái nóng làm tôi sợ nhưng tôi nào còn lựa chọn nào khác. Tôi phải làm việc để nuôi gia đình”.

Công nhân tại một công trường xây dựng ở Singapore. (Ảnh: Getty Images).

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khuếch đại thời tiết cực đoan, khiến chúng trở nên chết chóc và diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã phải trải qua sóng nhiệt rất nguy hiểm và hầu hết chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Các nước như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Pháp và Trung Quốc gần đây đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cực cao và giới khoa học dự đoán nhiệt độ sẽ còn leo thang hơn nữa, theo thông tin từ CNN.

Ông Radhika Khosla - phó giáo sư tại Đại học Oxford, cho biết: “Thật đáng lo khi thấy thời tiết chuyển biến theo cách mà khoa học đã dự đoán. Cây cối ít hơn, nhưng các công trường bê tông cốt thép lại nhiều lên. Ảnh hưởng khi nhiệt độ tăng cao đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các cộng đồng dễ bị tổn thương”.

Nơi nào để thoát khỏi cái nóng?

Trong những đợt nắng nóng gần đây, chính phủ các nước và một số tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc đã khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và bật điều hoà để ngăn ngừa những bệnh liên quan đến nắng nóng.

Song, lời khuyên đó là bất khả thi đối với những người lao động nhập cư, bởi họ khó tiếp cận với các công nghệ làm mát như điều hoà.

Nhà nghiên cứu người Anh Andy Hall cho biết: “Người lao động nhập cư thường bị lãng quên khỏi hầu hết các cuộc thảo luận quốc tế về biến đổi khí hậu, dù họ rõ ràng là một trong những nhóm chịu nhiều rủi ro nhất”.

Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh mối lo chung của nhiều công nhân nhập cư trên các công trường xây dựng tại những quốc gia như Singapore và Malaysia. Họ cho biết bản thân vẫn phải làm việc ngoài trời dù nhiệt độ khắc nghiệt.

Chưa kể, họ nói mình không được phép vào hầu hết các không gian công cộng có điều hoà như trung tâm mua sắm vì chủ nhà và người thuê nhà cấm làm vậy để tránh khiếu nại từ công chúng, ông Hall chia sẻ thêm.

Thay vào đó, người lao động nhập cư cố trốn khỏi cái nóng bằng cách nghỉ ngơi trong công việc hoặc dưới tán cây, cầu và đường cao tốc.

“Họ không thể hưởng lợi từ những giải pháp làm mát do các hạn chế về mặt hệ thống [chính trị] cũng như do bị phân biệt đối xử. Thật đáng thất vọng! Chính phủ các nước cần phải thảo luận hơn nữa về phúc lợi của những nhóm này”, ông Hall nhấn mạnh.

Người đàn ông vác một chiếc quạt máy trên đường phố Ấn Độ. (Ảnh: Reuters).

Tiếp xúc với nắng nóng kéo dài cũng là một vấn đề ở các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ - nơi năng suất cây trồng đã sụt giảm mạnh trong tháng 5 do nắng nóng gây hại cho mùa màng và nông dân, hoặc như Thái Lan - nơi công nhân thu hoạch mía kiệt sức vì nhiệt độ cao đáng báo động vào tháng 4.

Ahnaf, một người lao động đến từ Bangladesh, cho biết anh đang phải chịu đựng những ngày làm việc mệt mỏi kéo dài tới 12 giờ trên một đồn điền dầu cọ ở miền nam Malaysia. Sau đó, Ahnaf còn phải chịu thêm những đêm nóng nực, mất ngủ trong căn phòng trọ chật chội và kém thông gió cùng 7 người đàn ông khác.

Cách biệt giàu nghèo

Ông Jason Lee Kai Wei từ Đại học Quốc gia Singapore cho rằng việc không được tiếp cận với các hệ thống làm mát tiện lợi như điều hoà không khí là “vấn đề sinh tử” đối với nhiều người lao động nhập cư.

“Nếu điều kiện sống và làm việc không được cải thiện, họ có thể phải trả giá đắt bằng cả mạng sống của mình. Vấn đề là nhiều nơi không cung cấp những giải pháp đó cho người lao động”, nhà nghiên cứu cảnh báo.

Ông  Lee cho biết đã có một số “giải pháp trong tầm tay”. Về phía công ty sử dụng lao động, họ có thể chia thời gian nghỉ ngơi hợp lý hơn trong thời gian nắng nóng nhất trong ngày để bảo vệ sức khoẻ người lao động.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Dẫu vậy, doanh nghiệp cần phải nhận ra rằng sức khoẻ và năng suất của người lao động phải song hành cùng nhau, chứ không phải chọn cái này bỏ cái kia”.

Nhà hoạt động vì quyền của người lao động nhập cư hàng đầu ở Singapore, Jolovan Wham nói chính phủ không quy định về “lệnh ngừng làm việc” cho người lao động nhập cư trong đợt nóng gần đây.

“Vì vậy, các công ty vẫn có thể yêu cầu công nhân tiếp tục làm việc ngay cả khi nhiệt độ cao hơn bình thường”, Wham cho hay.

Chia sẻ với CNN, Li - chủ một công ty xây dựng ở Singapore, nói nhiều công nhân nhập cư của ông đã “bị ảnh hưởng nặng nề” bởi thời tiết. Ông cho biết họ được nghỉ ngơi phù hợp, nhưng vẫn phải thực hiện các quy trình khác như mặc đồ an toàn lao động nặng nề và dễ dàng tích nhiệt.

“Tất cả cứ đổ dồn vào chúng tôi. Nhiệt độ không giảm và điều này ảnh hưởng đến năng suất chung, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều dự án xây dựng cần hoàn thành”, ông Li bày tỏ.

Một con phố dày đặc điều hoà không khí tại Singapore. (Ảnh: Getty Images).

Theo một nghiên cứu năm ngoái của tổ chức Climate Impact Lab, khi biến đổi khí hậu diễn biến xấu hơn và khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên, khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo sẽ ngày càng nới rộng ra.

Ông Solomon Hsiang, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh: “Người ở các nước giàu có thể bảo vệ bản thân trước ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng người nghèo không có thứ vật phẩm xa xỉ này”.

Trong vài thập kỷ tới, việc tiếp cận với điều hoà không khí và quạt điện sẽ vẫn “nằm ngoài tầm với của hơn một nửa dân số toàn cầu”, ông Hsiang nói thêm.

Sau khi có dấu hiệu bị sốc nhiệt, Raj được đưa đến bệnh viện. Anh ngồi đợi gần một tiếng trong phòng máy lạnh trước khi được bác sĩ kiểm tra và đưa giấy chứng nhận sức khoẻ ổn định.

“Trong phòng thoáng mát và tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Lần gần nhất tôi được hưởng điều hoà là khi ngồi máy bay sang Singapore”, Raj kể.

“Tôi làm việc ngoài trời hàng ngày và không có máy lạnh trong ký túc xá. Chúng tôi có quạt trần nhưng chúng được chỉnh ở tốc độ rất thấp, nên tôi và các bạn phải luân phiên sắp xếp chỗ ngủ để có thể nằm dưới quạt”, Raj kể tiếp.

“Cũng không mát hơn là mấy, nhưng ít nhất cũng đỡ nóng được phần nào”, anh nói.

Khả Nhân