Lãnh đạo gỗ Trường Thành: Chi phí logistics làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp
Chi phí logistics bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp gỗ
Tại tọa đàm “Logistics TP HCM cất cánh”, ông Võ Thành Lợi, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng tới hết quý III.
Ngành gỗ cũng đang đứng trước nhiều cơ hội như các nhà mua hàng chuyển dịch sang Việt Nam, cơ hội mở rộng thị phần sang châu Âu, châu Mỹ, các nước châu Á nhờ việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP....
“Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển không ngừng tăng kể từ năm 2020 đến nay. Cước vận chuyển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu thiết lập mặt bằng mới, điển hình như gỗ sồi tăng 28%, gỗ gõ tăng 40%, gỗ dương tăng 40%.
Điều này có thể làm giảm biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025”, ông Lợi nói.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào phi mã, các doanh nghiệp đã phải đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện ký hợp đồng mua nguyên vật liệu và dịch vụ logistics dài hạn.
Lý giải về việc chi phí logistics tăng, bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty ASL Logistics cho biết chiến sự Nga - Ukraine diễn biến phức tạp khiến giá xăng dầu trong nước tăng cao, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp.
Cụ thể, chỉ trong quý I, giá xăng dầu tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ giảm nhỏ giọt, trong khi xăng dầu cấu thành 40% của giá vận chuyển. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nhận được thông báo tăng giá vận chuyển nội địa.
Tính chung quý I, giá vận tải nội địa đã tăng lên hơn 27% so với quý IV/2021. Đây là con số tăng ngoài tầm kiểm soát của tất cả các doanh nghiệp logistics.
“Còn về giá cước vận chuyển quốc tế, tình hình tiếp tục bất ổn định khi mà tình trạng kẹt cảng trên toàn thế giới tiếp tục kéo dài, đặc biệt tại các cảng trung chuyển lớn hoặc các cảng lớn như Trung Quốc, Mỹ.
Để quay lại giá cước về trước năm 2019 là rất khó, tình hình khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023”, bà Lan nói.
Giá cước vận chuyển quốc tế hạ nhiệt, doanh nghiệp xuất khẩu liệu có hưởng lợi?
Thực tế, để giá logistics quay lại mặt bằng trước đại dịch COVID-19 là rất khó. Song, chủ tịch ASL cho biết một số tín hiệu cho thấy cước vận chuyển quốc tế sẽ hạ nhiệt từ quý II, khi mà tình trạng kẹt cảng được giải quyết và tàu biển di chuyển nhanh hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng nếu Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào đội tàu biển của nước ngoài thì liệu doanh nghiệp xuất khẩu có hưởng lợi khi giá vận chuyển quốc tế giảm?
Trả lời vấn đề này, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khẳng định các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cũng có năng lực cung cấp dịch vụ ở tầm quốc tế.
Hiện, số doanh nghiệp Việt Nam đăng ký với Cục Hàng hải Mỹ có khoảng 104 doanh nghiệp, trong khi 20 năm trước chỉ có vài doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp logistics sẵn sàng cung cấp dịch vụ đa dạng, trọn gói cho chủ hàng, sự hợp tác giữa hai bên sẽ giúp giảm được chi phí.
"Trước đây, nhiều công đoạn logistics phải do công ty đa quốc gia thực hiện, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được. Dịch vụ nào do doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận thì giảm được chi phí xuất khẩu nhập khẩu", ông Khoa nói.
Tuy nhiên về lâu dài, đại diện VLA cho rằng cần phát triển đội tàu biển quốc tế mang thương hiệu Việt Nam, trước mắt là phục vụ các tuyến nội Á, sau đó làm tuyến xa hơn như tới thị trường Mỹ, EU.
"Đây là bài toán không đơn giản nhưng không phải không làm được. Sử dụng thương hiệu vận tải biển Việt Nam để giảm chi phí logistics", ông Khoa cho biết.
Còn về phía doanh nghiệp ASL Logistics, bà Lan cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải đàm phán về ký hợp đồng với các đơn vị logistics với thời gian dài hạn hơn để đảm bảo tính ổn định cả chi phí và hưởng được mức giảm giá, ưu đãi.