|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Làn sóng tái cơ cấu của doanh nghiệp địa ốc

08:46 | 12/06/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng bắt đầu tái cơ cấu kể từ khi thị trường nhà ở gặp khó khăn về thanh khoản. Không chỉ tài chính, các doanh nghiệp còn tiếp tục tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Thị trường diễn biến không thuận lợi trong 6 tháng đầu năm buộc khá nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, trong đó tích cực tìm kiếm các mảng kinh doanh mới có tiềm năng, bên cạnh đẩy mạnh các kênh huy động vốn mới, giảm bớt lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Cơ cấu sản phẩm và thị trường đầu tư

Trong chiến lược tăng quy mô hoạt động cũng như sự hiện diện của thương hiệu, các doanh nghiệp xây dựng, công ty BĐS đều tính đến việc mở rộng thị trường, quỹ đất và tham gia vào một số lĩnh vực có tiềm năng đem lại lợi nhuận.

Gần đây nhất, Tập đoàn Đất Xanh mới đây đã công bố chiến lược phát triển mới, trong đó tái cấu trúc tập đoàn thành 4 mảng riêng biệt là: mảng dịch vụ BĐS, mảng đầu tư phát triển BĐS, mảng xây dựng và vật liệu xây dựng. Đặc biệt lần đầu tiên tập đoàn này lấn sân vào phân khúc khu công nghiệp như một động thái nhằm đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam.

Nhận định về chiến lược này, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, lợi nhuận thu được từ việc phát triển BĐS công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11% - 12%, mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực. Tất nhiên, không loại trừ khả năng sau khi xây dựng xong các khu công nghiệp, Tập đoàn Đất Xanh sẽ tìm các đối tác để chuyển nhượng lại dự án và từ đó, có cơ hội ghi nhận ngay các khoản lợi nhuận hấp dẫn.

Làn sóng tái cơ cấu của doanh nghiệp địa ốc - Ảnh 1.

Nam Long đầu tư phát triển đô thị tại Khu công nghiệp,đô thị VSIP Hải Phòng. Ảnh: VSIP Hải Phòng

Cũng trong xu thế mở rộng danh mục đầu tư, Nam Long vốn gắn liền tên tuổi với nhà ở vừa túi tiền ở TP HCM cũng bắt đầu hướng đến những loại hình BĐS khác. Cụ thể, bên cạnh mảng nhà ở, năm nay Nam Long sẽ khai thác tối đa mảng kinh doanh BĐS thương mại tại các quỹ đất sẵn có, lẫn các quỹ đất tương lai trong các khu đô thị quy mô lớn. Việc gia tăng giá trị cho các BĐS sẽ đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định trong dài hạn cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang, để đẩy mạnh BĐS thương mại, Nam Long có sự đồng hành của các đối tác như Vingroup (siêu thị Vincom+ sẽ có mặt tại các dự án do Nam Long phát triển), hay 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad vốn có kinh nghiệm ở lĩnh vực phát triển BĐS bán lẻ.

Cùng với việc lấn sâu hơn vào BĐS thương mại, Nam Long sẽ mở rộng địa bàn đầu tư ra Hà Nội và Hải Phòng. Theo kế hoạch giai đoạn 2018 - 2022, NLG sẽ phát triển những khu nhà ở quy mô từ 20 - 50ha (dòng Flora, Ehome và Valora) ở thị trường phía Bắc.

 Động thái đầu tiên là thâu tóm khu đô thị có quy mô 21 ha nằm trong khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Với các sản phẩm mới và thị trường mới, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng với mục tiêu doanh thu hơn 13.300 tỉ đồng và lợi nhuận trên 1.100 tỉ đồng vào năm 2020, gấp 4 lần và 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2017.

Cùng với Nam Long, một doanh nghiệp BĐS thuộc phân khúc nhà phù hợp túi tiền khác là Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cho thấy những mục tiêu khá tham vọng. Bên cạnh phát triển nhà ở và xuất nhập khẩu, công ty sẽ mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực có tiềm năng mang lại doanh thu và lợi nhuận như khoáng sản (trước mắt là góp vốn khai thác mỏ cát trắng ở Quảng Trị), xây dựng. Trong khi đó, sản phẩm BĐS cũng có sự bổ sung những loại hình mới như căn hộ dịch vụ, văn phòng cho thuê ở cả TP HCM và Hà Nội

Lựa chọn các thị trường tỉnh lẻ còn nhiều tiềm năng với BĐS nghỉ dưỡng để thay thế cho việc kinh doanh căn hộ, đất nền ở TP HCM cũng là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp. Thậm chí những doanh nghiệp chỉ "thuần" kinh doanh nhà ở cũng bắt đầu chuyển hướng sang BĐS nghỉ dưỡng để tìm tăng trưởng.

Mới đây tập đoàn Novaland thông báo 2019 sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực trọng tâm là BĐS và dịch vụ du lịch. Trong năm mới, ông lớn này dự kiến triển khai thêm 2.300 sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng trên tổng quỹ đất 2.650 ha, tập trung tại các thành phố du lịch lớn.

Ông Bùi Xuân Huy, TGĐ tập đoàn Novaland cho biết, tập đoàn đang triển khai hệ sinh thái dịch vụ NovaTourism với 3 dòng thương hiệu chính là NovaHills, NovaBeach và NovaWorld.

Thương hiệu BĐS nhà ở lớn khác là Địa ốc Phú Long cũng lấn sân sang nghỉ dưỡng bằng loạt dự án cao cấp tại Phú Quốc và Nha Trang. Hưng Thịnh Corp cũng bắt đầu "chiến dịch" khi phát triển dự án tại thành phố biển Quy Nhơn mang tên Quy Nhon Melody. Trong thời gian tới, dự kiến Hưng Thịnh sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội từ các thị trường ở xa như Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Chuyển kênh huy động vốn cho kế hoạch tái cơ cấu

Để hỗ trợ cho kế hoạch thay đổi danh mục sản phẩm triển khai, tìm kiếm các ngành nghề mới, khá nhiều các DN BĐS tìm thêm kênh huy động vốn mới thông qua các hình thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hợp lực với các đối tác ngoại. Đây được xem là bước đi cần thiết nhằm gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu, cũng như hạn chế sự lệ thuộc quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.

Điển hình mới đây, Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) dự kiến sẽ rót tối đa 450 tỉ đồng vào Tập đoàn BĐS MIK Group, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 8,2%. Nhà Khang Điền phát hành 450 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ cho quỹ đầu tư Dragon Capital.

Tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC), phương án phát hành thêm cổ phiếu, gia tăng thêm bộ đệm tài chính là giải pháp được lựa chọn. Theo đó, công ty dự kiến phát hành tối đa 758 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. Giá phát hành không dưới 15.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm nay hoặc  năm 2020.

Làn sóng tái cơ cấu của doanh nghiệp địa ốc - Ảnh 2.

Doanh nghiệp địa ốc đang huy đọng vốn qua kênh trái phiếu để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu. Ảnh: Zing.vn

Sau đợt phát hành lần này, quy mô vốn điều lệ của Becamex IDC sẽ tăng gấp đôi, từ 10.126 tỉ đồng lên 20.000 tỉ đồng. Số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để tái cấu trúc tài chính, thanh toán các khoản vay và huy động vốn tài trợ cho các dự án đầu tư trong tương lai như: khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, khu công nghiệp Cây Trường; Tổ hợp Văn phòng - Dịch vụ - Thương mại Becamex tại thành phố mới Bình Dương và Khu phố Thương mại Lê Lợi ở Thành phố Mới.

Trong khi đó, Phát Đạt liên tiếp mở 4 đợt phát hành trái phiếu với số vốn lên đến 1.000 tỉ đổng để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và cân đối vốn cho các dự án quy mô lớn ở Bình Định.

Tiềm năng trong dài hạn của thị trường BĐS đang thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại. Thời gian qua, một số DN trong nước đã tăng cường hợp tác, liên doanh với nhà đầu tư bên ngoài như một kênh hút vốn hiệu quả. Đơn cử như An Gia Investment đã huy động thành công 200 triệu USD từ một quỹ đầu tư Nhật Bản, để phát triển 6 dự án. Lãnh đạo công ty chia sẻ đang xúc tiến thêm một thương vụ hợp tác với quỹ đầu tư đến từ Anh quốc trong thời gian tới để hỗ trợ cho kế hoạch tái cơ cấu của doanh nghiệp.

Trong chiến lược tăng quy mô hoạt động cũng như sự hiện diện của thương hiệu, các doanh nghiệp địa đều tính đến việc tái cơ cấu danh mục sản phẩm. Để có cơ sở cho kế hoạch này hầu hết doanh nghiệp đã mở rộng thị trường, quỹ đất và tham gia vào một số lĩnh vực có tiềm năng đem lại lợi nhuận để giảm rủi ro khi thị trường ở TP HCM chững lại.

Bình Nguyên

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.