Làn sóng phá sản các nhà máy lọc dầu độc lập ở Nga
Kể từ 1/1/2019, gánh nặng thuế đối với ngành lọc dầu đã tăng 50%, bao gồm: thuế khai thác tài nguyên do chương trình hoán đổi thuế của chính phủ, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp rưỡi, thuế VAT tăng thêm 2%.
Ngoài việc tăng chi phí đầu vào, các nhà máy buộc phải giữ nguyên giá bán sản phẩm và nhận một phần trợ cấp từ ngân sách. Điều này đã làm cho 37 nhà máy lọc dầu lớn và 22 nhà máy lọc dầu nhỏ ở Nga hoạt động không hiệu quả.
Hiện nay, không chỉ riêng các nhà máy lọc dầu độc lập gặp khó khăn về tài chính, các nhà máy của các tập đoàn dầu khí lớn cũng vậy.
Theo nhóm nghiên cứu Petromarket, trong 2 tháng đầu năm 2019, biên độ lợi nhuận tinh chế trung bình của các nhà máy lọc dầu tại Nga đã giảm từ 4.400 rúp/tấn xuống 230 rúp/tấn, trong khi tỷ lệ hoạt động thua lỗ tăng lên 60%.
Chính vì vậy, tháng 5 vừa qua, các nhà sản xuất nhiên liệu đã đồng loạt tăng giá bán xăng lên 17,5%.
Vào tháng 6, chính phủ chấm dứt việc bình ổn giá xăng dầu và cho phép các công ty tăng giá trong phạm vi lạm phát chính thức. Tuy nhiên, nỗ lực mới nhất này của chính phủ vẫn mang tính phi thị trường, bởi khi không có lợi, các nhà máy sẽ giảm công suất.
Xu hướng này đã thể hiện rõ từ đầu năm 2019: trong 5 tháng đầu năm, lọc dầu ở Nga đã giảm 2,4% xuống còn 114,44 triệu tấn. Thống kê mới nhất cho thấy xu hướng này đã mạnh lên, trong tháng 5 tỷ lệ giảm là 8,6%, đầu tháng 7 tỷ lệ giảm đã là 9,3%.