|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng lãnh đạo cấp cao ồ ạt rời Apple

16:54 | 14/03/2023
Chia sẻ
Trong những năm trước, Apple cùng lắm chỉ chứng kiến sự rời đi của một đến hai lãnh đạo trong một năm. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2022 đến nay, tổng cộng đã có tới 11 người rời khỏi "táo khuyết" vì nhiều lý do khác nhau.

Apple đang phải đối mặt với một làn sóng các lãnh đạo cấp cao rời đi nhiều chưa từng có. Trong khoảng thời gian bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, Apple đã chứng kiến sự rời đi của khoảng 10 lãnh đạo cấp cao. Phần lớn những người này đều là những nhân vật quan trọng tại Apple, chịu trách nhiệm vận hành nhiều hoạt động cốt lõi hàng ngày của “táo khuyết”, theo Bloomberg.

Những người rời đi bao gồm các phó giám đốc giám sát các lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, đám mây, các khía cạnh của kỹ thuật phần cứng và phần mềm, các vấn đề về quyền riêng tư, bán hàng tại các thị trường mới nổi, dịch vụ đăng ký thuê bao và mua sắm. Tổng cộng, 11 người đã rời bỏ Apple, con số cao nhất trong lịch sử gần đây.

Trong những năm trước, Apple có thể đã mất một hoặc hai lãnh đạo cấp cao trong một năm, chẳng hạn như khi người đứng đầu dự án xe tự lái của họ đầu quân cho Ford Motor Co. vào năm 2021. Vì vậy, sự rời đi cùng lúc của số lượng lớn lãnh đạo như vậy, cho dù là họ chủ động nghỉ việc hay bị sa thải hoặc nghỉ hưu, thì việc này cũng là một sự kiện đáng chú ý với Apple.

Tất nhiên, Apple cũng chào đó những lãnh đạo mới. Apple đã bổ nhiệm một giám đốc nhân sự mới để đảm nhận nhiệm vụ do người phụ trách mảng bán lẻ Deirde O'Brien đảm nhiệm và một giám đốc thông tin để thay thế Mary Demby và David Smoley.

Các lãnh đạo cấp cao của Apple đều đã lớn tuổi. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, sự ra đi của các lãnh đạo cấp cao đã khiến Apple phải phân bổ lại trách nhiệm hoặc thăng chức cho những người khác bên trong doanh nghiệp. Chẳng hạn, phó giám đốc bán hàng phụ trách các thị trường mới nổi, Hugues Asseman, nhận thấy vai trò của mình bị phân chia giữa giám đốc điều hành thị trường Ấn Độ Ashish Chowdhary và giám đốc cấp cao phụ trách thị trường châu Âu Juan Castellanos.

Tương tự, nhiệm vụ của giám đốc điều hành mảng phần cứng Laura Legros được chuyển sang một đồng nghiệp khác, Yannick Bertolus, người trước đó là phó giám đốc phụ trách tính toàn vẹn của mảng phần cứng.

Trong những ví dụ đó, Apple đã có những người kế nhiệm có thể thăng tiến - hoặc ít nhất là một số giám đốc điều hành có thể đảm nhận trách nhiệm của những người đã nghỉ việc. Dù vậy, với trường hợp của Evans Hankey, giám đốc thiết kế công nghiệp sắp mãn nhiệm của công ty, Apple chưa thể tìm được người thay thế. Ngoài ra, Apple đã không thay thế giám đốc quyền riêng tư của mình.

Phần lớn nhân sự ra đi gần đều là những “cựu binh” tại Apple, những người đã làm việc tại công ty hơn 15 năm. Tuy nhiên, với một số trường hợp, Apple đã mất đi các nhân tài đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, những người có khả năng đạt đến những vị trí cấp cao hơn ở doanh nghiệp.

Theo Bloomberg, sự rời đi ồ ạt này có thể chỉ mới là điểm khởi đầu cho một chuỗi biến động tại Apple. Có khá nhiều người đã làm việc tại Apple trong hàng chục năm, giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao, và có thể sẽ nghỉ hưu trong vài năm tới.

10 trong số 12 giám đốc điều hành hàng đầu của Apple hiện cũng đã lớn tuổi. Có tới một nửa trong số này gia nhập Apple từ trước năm 2000. Khoảng cách tuổi giữa CEO Tim Cook và người kế vị khả dĩ nhất hiện nay, ông Williams, cũng chỉ là hai tuổi.

Những trụ cột lâu năm của Apple cũng sắp kết thúc sự nghiệp của họ. Cựu giám đốc tiếp thị Phil Schiller đang đảm nhận vai trò nhỏ hơn tại Apple Fellow tập trung vào App Store và các sự kiện truyền thông, còn Dan Riccio cũng sẽ rũ bỏ mọi trách nhiệm về mặt kỹ thuật liên quan tới phần cứng, ngoại trừ vai trò tại nhóm tai nghe thực tế hỗn hợp (mixed-reality headset).

Có nhiều lý do khiến các lãnh đạo Apple ra đi

Apple là một trong những công ty lớn nhất thế giới và điều đó có nghĩa là rất khó để tạo ra sự khác biệt cho từng cá nhân. Xung đột và tranh cãi giữa các bộ phận có thể khiến việc điều hướng trở nên khó khăn hơn.

Các nguồn lực đã được chuyển sang các sáng kiến dài hạn hơn, một số trong số đó có thể mất nhiều năm để sẵn sàng (nếu có). Trong một số trường hợp, các phó giám đốc của Apple được coi là ứng cử viên để thay thế phó giám đốc cấp cao hơn trong doanh nghiệp, một động thái có thể đi kèm với việc tăng lương gấp 4 hoặc 5 lần.

Tuy nhiên, Apple có thể chưa bao giờ nói rõ liệu điều đó có thể xảy ra hay không. Chẳng hạn, như trong trường hợp của Hankey, trưởng nhóm thiết kế hướng ngoại, được cho là đã thiếu trách nhiệm trong việc trao quyền - bao gồm khả năng bác bỏ các quyết định kỹ thuật do các bộ phận khác đưa ra.

Bản thân cấu trúc của Apple cũng khiến nhiều người bối rối. Công ty được tổ chức theo từng bộ phận chức năng, có nghĩa là các nhóm đóng góp vào tất cả các sản phẩm lớn của công ty. Chẳng hạn, phó giám đốc kỹ thuật phần cứng sẽ giúp giám sát các bộ phận của iPhone, Apple Watch, iPad, Mac và AirPods. Trong khi đó, một nhà lãnh đạo kỹ thuật phần mềm sẽ điều hành các nhóm đóng góp cho iOS, macOS, watchOS và tvOS, hoạt động trên hàng chục sản phẩm phần cứng.

Cách tổ chức đó có ý nghĩa trong những ngày đầu của Apple, nhưng đã dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình phát triển sản phẩm gia tăng, khiến nguồn lực bị dàn trải quá mỏng và gây thêm sự phức về mặt kỹ thuật.

Cuối cùng, Bloomberg nhận định rằng một trong những lý do lớn nhất khiến các lãnh đạo cấp cao tại Apple nghỉ việc là vì tiền. Giá cổ phiếu của Apple đã giảm gần 30% vào năm ngoái, sau ba năm tăng mạnh.

Điều này khiến nhiều lãnh đạo cân nhắc về các khoản lương thưởng bởi với một số vị trí lãnh đạo cấp cao của Apple, các quyền chọn cổ phiếu và cổ phiếu thưởng có thể chiếm một nửa gói thù lao hàng năm. Như vậy, tổng thu nhập của họ có thể sẽ giảm xuống khi giá cổ phiếu Apple đi xuống.

Anh Nguyễn