Làm rõ có hay không việc cố ý làm trái trong vụ bán đất công 'giá bèo' ở TP HCM
Khu đất rộng hơn 30 ha (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) bán không qua đấu giá với giá 1,29 triệu đồng/m2 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. |
Hơn 320.000 m2 đất bị bán rẻ thế nào?
Theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 5.6.2017 và các phụ lục hợp đồng kèm theo, Công ty Tân Thuận bán khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn cho doanh nghiệp giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách nhà nước hơn 419 tỉ đồng. Giá chuyển nhượng này được cho là rẻ bất thường.
Trước khi bán đứt khu đất, ngày 26.4.2017, Công ty Tân Thuận chỉ đề nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận cho hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Phước Kiển với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Quy mô dự án là 50 ha, trong đó đất thuộc Văn phòng Thành uỷ quản lý là khoảng 32 ha (hơn 320.000 m2).
Để có cơ sở đề xuất, Công ty Tân Thuận đã thực hiện hàng loạt động thái nội bộ trong vòng một tuần. Cụ thể, ngày 19.4.2017, họp hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh. Ngày 24.4.2017, họp giữa hai công ty về phương án chuyển nhượng đất. Một ngày sau, Tổng giám đốc Trần Công Thiện trình Hội đồng thành viên công ty phương án góp 30% vốn và được chấp thuận.
Tại phương án hợp tác đầu tư, Công ty Tân Thuận định giá tổng giá trị khu đất là 358 tỉ đồng (1,1 triệu đồng/m2). Trong công văn báo cáo với Văn phòng Thành ủy, Công ty Tân Thuận cho biết tiến độ góp vốn trong vòng 20 ngày, Công ty Quốc Cường Gia Lai phải thanh toán 70% giá trị đất đã nhận chuyển nhượng là 250,6 tỉ đồng.
Lý do phải hợp tác đầu tư là thời điểm này, công ty không còn là chủ đầu tư dự án, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân và tổ chức đến mua gom đất gây khó khăn cho công ty khi tiếp tục đền bù.
Để triển khai dự án, Tân Thuận phải thực hiện thủ tục lại từ đầu và phải có trên 1.300 tỉ đồng vốn chủ sở hữu (dựa trên tổng mức đầu tư dự án gần 6.600 tỷ đồng); trong khi đó, công ty không đủ năng lực tài chính.
Ngoài ra, việc cho Quốc Cường Gia Lai đầu tư chung mà không phải doanh nghiệp nào khác, là vì hai bên từng hợp tác tại dự án Khu dân cư ven sông Tân Phong (quận 7).
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Công ty Tân Thuận đã chuyển phương án từ hợp tác đầu tư dự án với Công ty Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ thành chuyển nhượng luôn khu đất. Từ hợp tác đầu tư đến chuyển nhượng đất, giá trị khu đất đã được định giá tăng từ 1,1 triệu đồng/m2 lên 1,29 triệu đồng/m2.
Sau khi Công ty Tân Thuận bán đứt khu đất, ngày 5.12.2017, Văn phòng Thành ủy đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại về giá trị khu đất.
Sở này xác định, đây phần lớn là đất nông nghiệp cạnh sông Phước Kiển, chỉ có một diện tích rất nhỏ (hơn 480 m2) là đất ở. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỉ đồng. Theo cách tính này của Sở, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỉ.
Theo một số chuyên gia, nếu tính theo giá thị trường thấp nhất thời điểm Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai (tháng 5.2017), tổng giá trị khu đất có thể lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.
Ông Tất Thành Cang quyết định không đúng thẩm quyền
Theo thông báo kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM, dự án Khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư, được UBND TPHCM chấp thuận địa điểm đầu tư tại Công văn số 4051/UBND-ĐTMT, ngày 10.8.2009.
Công ty Tân Thuận đã thực hiện thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với diện tích 331.100,6 m2 từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh và vốn vay của doanh nghiệp để thực hiện dự án. Tuy nhiên, công ty chưa tiến hành các thủ tục đầu tư, dẫn đến dự án hết hạn vào ngày 31.12.2013.
Trong quá trình thực hiện hợp tác, chuyển nhượng phần đất đã đền bù nêu trên, Công ty Tân Thuận đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Văn phòng Thành ủy về việc chỉ định hợp tác, chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là thực hiện không đúng quy định tại Điều 3 của Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy; không đúng quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13.10.2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; không đúng với Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về giá đất.
Cũng theo kết quả kiểm tra, tập thể lãnh đạo công ty đã không họp bàn bạc, thảo luận để thống nhất chủ trương, chuyển nhượng và giá chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, dẫn đến việc đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và thấp hơn giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố thẩm định, đồng thời thấp hơn giá do công ty xây dựng phương án giá dự kiến thỏa thuận đền bù tiếp theo với người dân.
Vì vậy, ngày 18.4.2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng.
Trước đó, kết luận về vụ việc, Ban thường vụ Thành ủy TPHCM cho rằng, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.
Ông Tất Thành Cang cũng được cho là không báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định, khiến việc chuyển nhượng đất có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố.
Ông Trần Công Thiện - Bí thư chi bộ, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh Công ty Tân Thuận được xác định là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, điều hành Công ty Tân Thuận dẫn đến sai phạm trong vụ bán rẻ hơn 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng.
Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy cũng kiến nghị cơ quan chức năng thanh tra toàn diện Công ty Tân Thuận, làm rõ ông Thiện có hay không hành vi cố ý làm trái quy định trong việc tham mưu, đề xuất giá chuyển nhượng đất chưa ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Nếu có hành vi cố ý làm trái sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý.