Lạm phát tại các nền kinh tế thuộc Eurozone có dấu hiệu hạ nhiệt
Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng giá thực phẩm và đồ dùng thiết yếu trong thời gian tới được dự đoán vẫn tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/5, lạm phát tháng 5 của 20 quốc gia thuộc Eurozone đã giảm đáng kể xuống còn 6,1%, so với mức 7% của tháng 4.
Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy giá cả hàng hóa có thể sẽ đi xuống sau khi chạm đỉnh ở mức hai chữ số vào tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể phải nhiều tháng nữa người tiêu dùng mới cảm thấy thực sự "nhẹ gánh" khi mua sắm tại các cửa hàng.
Lạm phát ở Eurozone hạ nhiệt chủ yếu do giá năng lượng trong tháng 5 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,4% trong tháng 4.
Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm so với mức tăng 13,5% ghi nhận vào tháng 4.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, trong tháng 5 giảm xuống 5,3% từ mức 5,6% trong tháng 4.
Giới chuyên gia nhận định Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 15/6.
Tại 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone gồm Đức, Pháp và Italy, lạm phát cũng giảm lần lượt 6,1%, 5,1% và 7,6%.
Nhà kinh tế học Rory Fennessy tại Oxford Economics cho rằng lạm phát ở Eurozone đang suy giảm trên diện rộng, chủ yếu do giá lương thực, năng lượng và lạm phát cơ bản đều giảm.