|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thống đốc NHNN: Lạm phát thế giới vẫn chưa đến đỉnh điểm, điều hành vĩ mô những tháng cuối năm cần rất đồng bộ

19:24 | 04/07/2022
Chia sẻ
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng trung ương nhiều nước đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải rất đồng bộ.

  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Đánh giá về những chỉ số kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2022 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được sẽ càng rõ nét nếu so sánh với tình hình thế giới.

Đặc biệt là, việc tăng trưởng GDP của Việt Nam cao trong khi lạm phát giữ được ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,12% so với năm trước.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, Ngân hàng trung ương nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

"Điều này đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải rất đồng bộ, xác định rõ mục tiêu ưu tiên rõ ràng, làm tốt công tác truyền thông về vấn đề này", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương  cũng cho rằng, vấn đề lạm phát của Việt Nam hiện vẫn chưa quá "nóng" như một số quốc gia tại châu Âu hay Mỹ, lạm phát đã tăng 7 đến 8% nhưng nguy cơ và sức ép vẫn là rất lớn.

Vì vậy, cần hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để đảm bảo mức CPI dưới 4% theo đúng mục tiêu đề ra.

"Vấn đền này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành để kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm", Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7%

Kết luận tại Hội nghị ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng: "Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng, thống nhất với phương án, kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7% trong năm nay.

Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…, tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.

Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; báo cáo cấp có thẩm quyền Đề án đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước.

Hạ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.