|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lạm phát của Mỹ đạt đỉnh 30 năm, giá vàng có thể nhảy lên 1.900 USD/ounce

15:18 | 11/11/2021
Chia sẻ
Thị trường vàng thế giới đang có một động lực tăng giá mới sau khi số liệu lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 30 năm. Một số nhà phân tích dự đoán giá vàng có thể quay trở lại mức 1.900 USD/ounce.

Lo sợ Fed khó ghìm cương lạm phát

Theo Kitco News, một số nhà phân tích cho biết, giá vàng đang chuẩn bị cho một đợt tăng mới do áp lực lạm phát lớn dần. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không kiểm soát được cú sốc lạm phát.

Ông Bob Haberkorn, nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures, cho biết: "Áp lực lạm phát chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. Thị trường khắp nơi đang lo sợ rằng Fed không đủ sức ứng phó với lạm phát. Nhà đầu tư thực sự sợ Fed mất khả năng kiểm soát tình hình".

Hôm qua (10/11), Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất, cho thấy lạm phát giá tiêu dùng (chỉ số CPI) của tháng 10 năm nay tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm qua.

Trong đó, giá thực phẩm cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 5,3% - tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2009. Còn giá xăng cao hơn tháng 10 năm ngoái khoảng 6,1%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm nay.

 

Trong khi các ngân hàng trung ương như Fed khẳng định lạm phát chỉ là mối lo tạm thời, một số cơ quan như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại kêu gọi các nước nhanh chóng tăng lãi suất để tránh hậu quả nặng nề.

Kitco News lưu ý, chỉ số CPI nhảy vọt trong bối cảnh người tiêu dùng tại Mỹ đã bắt đầu mua sắm cho Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Khá nhiều chuyên gia đang cảnh báo về một mối nguy khác, đó chính là lạm phát đình trệ.

Lạm phát đình trệ là hiện tượng mà tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp lên cao (đình trệ), đồng thời giá cả hàng hóa tăng phi mã (lạm phát). Trong những năm 1970, thế giới đã từng trải qua cú sốc này.

Cũng do áp lực lạm phát lớn hơn mà giá vàng đã bứt phá qua ngưỡng kháng cự quan trọng là 1.835 USD/ounce. Ngoài ra, các nhà phân tích còn cho biết, việc giá vàng bật tăng còn do lợi suất thực giảm.

Sau khi số liệu CPI tháng 10 của Mỹ được công bố, lợi suất thực của trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tụt xuống mức thấp kỷ lục là -1,235%.

Ghi nhận trên goldprice.org, tại thời điểm 13h55 ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đang giao dịch quanh mức 1.853 USD/ounce, tức mức đỉnh 5 tháng.

Cơ hội để giá vàng nhảy lên 1.900 USD/ounce

Ông Haberkorn kỳ vọng lạm phát tăng chỉ là bước khởi đầu để giá vàng đi lên. Chia sẻ với Kitco News, nhà môi giới cho rằng mục tiêu tiếp theo của giá vàng là từ 1.900 USD đến 1.920 USD/ounce.

"Nếu giá vàng bật tăng mạnh, đó là do nhà đầu tư ngày càng sợ hãi lạm phát", ông Haberkorn nhấn mạnh.

 

Ông Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý tài sản SIA Wealth Management, cũng nhận định giá vàng sẽ leo lên mức 1.920 USD/ounce. Vị chuyên gia cho biết giá vàng không phá vỡ một ngưỡng kháng cự quan trọng, mà còn tăng ngay cả khi đồng USD tăng cao.

Chỉ số USD Index hiện đang giao dịch gần mức đỉnh một năm, trên 94,5 điểm. Ông Cieszynski nói: "Trên thực tế, vàng có thể bứt phá khi đồng USD cao hơn chứng tỏ kim loại quý này có thể tăng mạnh hơn nữa".

Tương tự, ông Darin Newsom, Chủ tịch cấp cao tại hãng phân tích Darin Newsom, cũng kỳ vọng giá vàng tăng thêm trong thời gian tới. Theo ông Newsom, có một số dấu hiệu cho thấy đồng USD đang chạm mức trần, qua đó mang lại lợi ích cho nhiều loại hàng hóa.

"Tôi tin rằng trong tháng 12, giá vàng có thể thử thách vùng giá 1.875 - 1.915 USD/ounce", Chủ tịch Darin Newsom dự đoán.

Dù vậy, một số nhà phân tích khác lưu ý rằng vàng có thể gặp ngưỡng kháng cự mới ở mức 1.870 USD/ounce.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.