Làm gì để thể thao trở thành cỗ máy in tiền?
Khi thể thao gắn kết với cộng đồng | |
Thể thao Việt Nam khép lại kỳ ASIAD 2018 thành công |
Các sự kiện thể thao như Giải marathon leo núi ở Sa Pa hằng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham gia và du lịch - Ảnh: T.L. |
Vậy làm gì để ngành công nghiệp thể thao trở thành cỗ máy in tiền? Câu hỏi này cũng là nỗi trăn trở của các chuyên gia tại hội thảo "Giải pháp phát triển kinh tế thể thao VN", diễn ra ngày 16-11 do Ban Kinh tế trung ương và Bộ VH-TT&DL tổ chức.
Cỗ máy in tiền từ du lịch thể thao
Dẫn số liệu từ EuroSport, giáo sư Lê Quý Phượng (Đại học TDTT TP.HCM) nói du lịch thể thao đóng góp khoảng 800 tỉ USD và có tốc độ tăng trưởng 14% mỗi năm.
Các loại hình thể thao đóng góp lớn nhất cho doanh thu du lịch có thể kể đến gồm bóng đá, golf, điền kinh, trong khi đó ngành công nghiệp thể thao ngoài du lịch còn có môi giới thể thao, dụng cụ tập luyện, thời trang, cá cược...
Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đi đầu trong việc phát triển du lịch thể thao. Nước này tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp lớn thu hút khách du lịch như giải đua xe công thức 1 (F1), giải thi đấu võ thuật UFC Fight Night, giải tennis BNP Paribas...
Tại VN, các chuyên gia đánh giá du lịch gắn với thể thao đã phát triển vài năm gần đây và mang lại hiệu quả cao cho các địa phương, trong đó có thể kể đến các giải chạy đường dài với mỗi năm tổ chức hàng chục giải.
Đặc biệt, giải marathon leo núi tại Sa Pa (VMM) diễn ra vào tháng 9 hằng năm, trong đó riêng sự kiện năm 2018 thu hút 3.500 vận động viên với hàng ngàn người nước ngoài đến thi đấu và du lịch.
Theo GS Lê Quý Phượng, tổ chức giải thể thao để kích thích du lịch phát triển nên là hướng mà VN đầu tư thời gian tới. Đặc biệt, mới đây Hà Nội công bố sẽ là nơi tổ chức một chặng đua của F1 từ năm 2020-2030, sự kiện sẽ thu hút rất nhiều du khách đến.
Bà Lê Hồng Bảo Trâm, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Truyền thông xanh, cho rằng ngoài F1, sự bùng nổ của phong trào chạy đường dài với hàng trăm cuộc đua diễn ra mỗi năm cũng sẽ thu hút rất nhiều người đến VN du lịch kết hợp thi đấu.
Ngay tại Giải marathon TP.HCM sẽ diễn ra ngày 2-12 tới, ban tổ chức giải đấu cho biết dự kiến có đến 8.200 VĐV tham dự, trong đó có hàng ngàn VĐV đến từ các quốc gia trên thế giới.
Bao giờ kinh doanh cá cược bóng đá?
Một trong những chủ đề được thảo luận tại hội thảo này chính là vấn đề kinh doanh cá cược thể thao.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ tịch Vabis, cho biết tập đoàn này có một công ty làm phần mềm tiếp thị thể thao cho 23 quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ, hiện đang xử lý dữ liệu đặt cược cho 21 loại hình thể thao như: bóng đá, bóng bầu dục, bóng chuyền, quyền anh...
Ông Mỹ cũng chính là người đầu tiên tại VN được Chính phủ cho thí điểm tổ chức đua chó ở Vũng Tàu từ năm 1998 và đua ngựa tại trường đua Phú Thọ (TP.HCM) năm 2004.
Có bề dày như thế và muốn đầu tư vào ngành kinh doanh cá cược thể thao ở VN, nhưng đến nay ông Mỹ nói vẫn chưa thể được vì còn thiếu hành lang pháp lý dù luật đã cho phép.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN, dù đặt cược thể thao đã được "hợp pháp hóa" khi Quốc hội thông qua Luật TDTT sửa đổi hồi tháng 6-2018, nhưng đến nay vẫn còn thiếu các "thủ tục dưới luật".
Theo ông Phòng, nếu có đặt cược thể thao sẽ tạo được nguồn thu lớn cho thể thao và cả nền kinh tế.
Thế giới kinh doanh thể thao như thế nào?PGS.TS Phạm Ngọc Viễn cho biết tại Mỹ, kinh doanh thể thao chiếm tỉ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước Mỹ, theo đó đạt giá trị 400-435 tỉ USD/năm, gấp 2 lần công nghiệp ôtô và 7 lần điện ảnh. Trung Quốc hiện là nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, chiếm đến 70%. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, ngành kinh doanh thể thao đã đóng góp 2 - 2,5% GDP. |