Lâm Đồng xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc
Sáng 21/9, tại huyện Bảo Lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức Lễ công bố và khai trương xuất khẩu chuyến hàng 72 tấn sầu riêng chính ngạch của tỉnh sang thị trường Trung Quốc, báo Lâm Đồng đưa tin.
Đây là lô hàng đầu tiên sau khi Nghị định thư Ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua.
Lô hàng này là của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Long Thủy, doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được cấp 1 mã số vùng trồng với diện tích 150 ha và 1 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thông tin từ bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng có 2 mã số nhà đóng gói và 1 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu sang thị trường nước này.
Theo đó, mã số vùng trồng được phía Trung Quốc chấp nhận rộng xấp xỉ 150 ha, nằm trên địa bàn 3 huyện Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai, thuộc liên kết sản xuất- bao tiêu sản phẩm của Công ty TNHH Long Thủy, doanh nghiệp được phía Trung Quốc chấp nhận mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói. Mã số nhà đóng gói thứ 2 được cấp cho Công ty Trung Bảo Tín (huyện Đạ Huoai).
Theo thống kê, diện tích sầu riêng trên toàn tỉnh Lâm Đồng hơn 14.000 ha. Trong đó diện tích kinh doanh cho thu hoạch khoảng 7.000 ha, sản lượng đạt khoảng 99.400 tấn mỗi năm.
Vùng trồng sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh với hơn 12.000 ha. Diện tích còn lại rải rác tại các địa phương như Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lộc với các loại giống chủ yếu là MonThong, Ri6.
Tỉnh hiện có hơn 900 ha sầu riêng được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 17 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sầu riêng với 411 hộ liên kết, diện tích gần 646 ha, sản lượng đạt hơn 13.800 tấn.
Trước đó, ngày 17/9, tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay, vì vậy, xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn.