Đắk Lắk đề xuất là tỉnh đầu tiên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc
Theo báo Đắk Lắk, ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, đơn vị đã có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT cho Đắk Lắk là đơn vị xuất khẩu đầu tiên sầu riêng bằng đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Trong thời gian chờ Bộ NN&PTNT phê duyệt, Chi cục đã làm việc với huyện Krông Pắc, 4 doanh nghiệp được cấp mã để thống nhất các nội dung, chuẩn bị cho xuất khẩu.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 76 mã số vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có số lượng mã vùng trồng được phê duyệt nhiều nhất, với 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói.
Các mã vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pắc với 17 mã; còn lại 4 mã của huyện Krông Búk, 1 mã của thị xã Buôn Hồ và 1 mã của TP Buôn Ma Thuột.
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (huyện Krông Pắc), chia sẻ sau thời gian dài chuẩn bị mọi thứ từ cơ sở hạ tầng, vườn trồng và phải trải qua đợt kiểm tra ngắt gao từ phía Trung Quốc, đơn vị đã có tên trong danh sách phê duyệt cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.
Doanh nghiệp hy vọng việc cấp mã vùng trồng kịp thời thì sầu riêng của Đắk Lắk có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong đợt này.
Còn ông Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nông Sản CHH Việt Nam (huyện Krông Pắc), cho biết doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã cơ sở đóng gói.
Hiện công ty và đối tác phía Trung Quốc đã sẵn sàng mọi thủ tục, chỉ chờ phía Việt Nam và Trung Quốc thống nhất lại lần cuối để cấp mã số cho các chuyến hàng xuất khẩu. Khi đã có mã số các chuyến hàng thì phía công ty sẽ tiến hành xuất khẩu ngay.
Đắk Lắk hiện có khoảng 15.100 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai của cả nước (sau tỉnh Tiền Giang); sản lượng thu hoạch năm 2022 ước khoảng 150.000 tấn.