|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Làm cáp treo qua sông Hồng là đề xuất '0 điểm' hay ý tưởng thú vị để khai thác du lịch?

07:00 | 09/07/2018
Chia sẻ
Xung quanh đề xuất xây dựng cáp treo qua sông Hồng có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng đề xuất này không khả thi khi phá vỡ cảnh quan tự nhiên, nếu mục đích xây để giảm ùn tắc giao thông thì không hiệu quả. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng xây dựng cáp treo sẽ góp phần khai thác, phát triển tốt hơn du lịch ven sông Hồng.

Xây cáp treo phá vỡ cảnh quan tự nhiên, lợi ích giảm ùn tắc không bằng xây hoặc tu sửa cầu

Mới đây, Tập đoàn Poma (Pháp) vừa đề xuất với Hà Nội xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng với chiều dài hơn 5 km, trong đó hơn 1,2 km vượt sông Hồng và 4 km đi trên mặt đất, vượt các tòa nhà.

lam cap treo qua song hong la de xuat 0 diem hay y tuong thu vi de khai thac du lich
Có người cho rằng đề xuất xây dựng cáp treo qua sông Hồng không khả thi, phá vỡ cảnh quan tự nhiên, quy hoạch khu vực, cũng không giảm được ùn tắc giao thông... (Ảnh minh họa)

Nhận định về đề xuất này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không nên thông qua đề xuất này. Việc làm cáp treo qua sông Hồng sẽ phá vỡ đến cảnh quan tự nhiên tại khu vực, đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Hồng sẽ phù hợp hơn hình thức cáp treo.

“Các cáp treo đã đưa vào khai thác mới chỉ để vận tải hành khách chứ chưa chuyên chở được các loại hình hàng hóa khác, vì vậy cáp treo chỉ phù hợp cho các khu du lịch. Nếu xây dựng cáp treo nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông thì tôi cho là không phù hợp bởi dễ tạo các điểm ùn tắc ở hai đầu cáp treo, chưa kể phương tiện giao thông của người đi cáp treo từ bên này qua bên kia sông phải xử lý thế nào?...”, GS. Võ đặt câu hỏi.

Chưa kể việc đầu tư xây dựng cáp treo đắt hơn rất nhiều so với đầu tư tu bổ các cây cầu hiện có, giá vé đi cáp treo vì thế chắc chắn cũng cao hơn so với vé xe bus, trong khi theo tính toán, lượng khách vận chuyển của hai loại hình vận tải này chỉ ngang nhau.

Trước ý kiến có thể xây dựng cáp treo kết hợp với phát triển du lịch khu vực bãi giữa sông Hồng, GS. Võ đánh giá, nên dùng biện pháp khác để di chuyển đến bãi giữa, có thể cải tạo cầu Long Biên và lưu ý tạo lối đi từ cầu xuống bãi giữa thì phù hợp hơn là làm cáp treo…

“Trên thế giới nhiều nước đã ứng dụng cáp treo, nhưng tôi thấy các nước Châu Âu chỉ dùng cáp treo ở những vùng núi hoang vu, đỉnh núi có thắng cảnh khai thác du lịch hay trượt tuyết thôi chứ họ không dùng cáp treo một cách quá phổ biến như Việt Nam hiện nay. Chúng ta có cáp treo trải từ Bắc vào Nam như tại Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội), Fanssipan (Lai Châu), Hòn Thơm (Phú Quốc – Kiên Giang)…”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Đồng quan điểm, anh Chu, môi giới bất động sản tại khu vực Long Biên cũng đánh giá đề xuất xây dựng cáp treo qua sông Hồng chỉ tạo sự tò mò ban đầu vì lạ lẫm chứ thực tế không có tính khả thi. Thậm chí, nếu chấm thang điểm 10, anh thẳng thắn cho đề xuất này 0 điểm.

“Hiện đã có nhiều cây cầu hiện hữu kết nối hai bên sông Hồng. Theo quy hoạch, trong tương lai cũng sẽ có thêm một số cây cầu mới như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên… Trong khi đó, xây cáp treo phải có đường dẫn kết nối với các đường giao thông khác, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch của khu vực này”, anh Chu nói.

Khi được hỏi rằng liệu việc xây dựng cáp treo qua sông Hồng nếu được duyệt thì có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hai bên bờ sông, anh Chu cho rằng sẽ không có sự ảnh hưởng gì. Theo anh, hai bên bờ sông tại khu vực quận Long Biên thuộc các làng cổ, cư dân đã sống quần cư suốt thời gian dài, phần diện tích bãi bồi ven sông cũng rất lớn. Vì vậy, sẽ không còn quỹ đất để phát triển dự án…

“Xây cáp treo qua sông Hồng là đề xuất thú vị”?

Ngược lại, bà Đỗ Hoài An, Giám đốc Nguyên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE lại đánh giá đề xuất xây dựng cáp treo này “khá thú vị”. Bà An chưa bình luận về tính khả thi của đề xuất này do chưa có thông tin cụ thể, tuy nhiên tùy theo mục đích xây dựng cáp treo phục vụ giao thông hay du lịch mà có thể đánh giá chung…

Cụ thể, nếu xây cáp treo để phục vụ giao thông thì hiệu quả khai thác cáp treo sẽ thấp hơn nhiều so với đường bộ, tùy theo diện tích cabin mà cáp treo chỉ chuyên chở được một lượng người nhất định (khoảng 20 – 30 người). Tuy nhiên, nếu vì mục đích khai thác du lịch thì cáp treo sẽ là điểm nhấn của thủ đô giữa hai bên bờ sông Hồng.

“Với bất kỳ thành phố nào trên thế giới, con sông luôn là điểm trung tâm của thành phố, có tác động đến môi trường đô thị, giao thông và quy hoạch hai bên bờ sông. Với Hà Nội, chúng ta chưa khai thác được hết tiềm năng của sông Hồng, đặc biệt là tiềm năng du lịch. Khi quy hoạch hai bên sông được hoàn thiện thì không chỉ ngành du lịch mà cả thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi”, bà An nhận xét.

Đại diện CBRE nêu ví dụ và đánh giá quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn hiện đang được thực hiện tương đối tốt. Bên này sông là quận trung tâm – quận 1, TP HCM, đã có bức tranh bất động sản rất rõ ràng rồi; còn bên kia sông là toàn bộ khu vực dọc quận 2 (Thảo Điền, An Phú, Thủ Thiêm) đã và đang được hưởng lợi rất lớn từ quy hoạch của thành phố.

Trước đó, Tập đoàn Poma (Pháp) đề xuất xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng để phục vụ hành khách công cộng giống như xe bus. Điểm đầu cáp treo là trạm trung chuyển xe bus Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).

Nhà đầu tư đề xuất mức đầu tư 1 km cáp treo là 10 triệu Euro (khoảng 260 tỷ đồng), tổng chiều dài cáp treo 5 km sẽ có mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.

Theo đại diện UBND Hà Nội, khó khăn lớn nhất hiện tại là Hà Nội chưa có quy hoạch cáp treo qua đô thị và tuyến cáp treo này có thể ảnh hưởng đến cảnh quan sông Hồng. Chưa kể, chi phí đầu tư cáp treo khá cao nên giá vé sẽ cao hơn vé xe bus.

Trao đổi với báo Đất Việt, ông Trần Hữu Bảo, Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: "Phía sở mới chỉ tiếp nhận đề xuất dự án của Tập đoàn POMA (Pháp) chứ chưa có bất kỳ ý kiến gì với họ về dự án này. Chưa biết là dự án này có khả thi hay không, cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế - xã hội không biết có phù hợp hay không. Sở còn phải lấy ý kiến tham mưu của một số cơ quan ban ngành liên quan. Dự án đó đã có gì đâu...".

Xem thêm

Hiếu Quân