|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Làm cáp treo lên đỉnh Bạch Mã: Thêm lo ngại

07:02 | 15/10/2018
Chia sẻ
Cáp treo lên đỉnh Bạch Mã có thể sẽ can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, xóa bỏ nơi cư ngụ của động vật hoang dã.

Ngày 13/10/2018, trong buổi hội nghị đóng góp ý kiến xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã ở huyện Phú Long do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, TS Nguyễn Vũ Linh - PGĐ Vườn Quốc gia Bạch Mã bày tỏ lo ngại, khu vực có lượng mưa hằng năm rất lớn, độ ẩm cao, nhiều sấm sét.

Bên cạnh đó, công trình Hải Vọng Đài là nơi ngắm cảnh có thể tu bổ để phục vụ du khách nên cần xem lại việc có nên xây dựng nhà tổ chim ở khu vực đỉnh núi? Đối với cầu Pha Lê ở thác Đỗ Quyên cũng cần tính toán kỹ vì xây dựng sẽ can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tầm nhìn.

Dự án cáp treo lên đỉnh Bạch Mã đi qua khu vực thường có 3 đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện nên cân nhắc thận trọng.

"Nên tận dụng lại tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện, giảm tác động đến môi trường. Du khách đến đây có thể ngắm được đàn voọc hay các loài chim muông khác. Bạch Mã nổi tiếng vườn chim, nếu làm không cẩn thận thì sẽ mất. Đối với khu vực tâm linh cũng nên thận trọng, tránh như các khu du lịch khác, nên phát triển vườn thiền thì hay hơn" - ông Linh nhận định.

lam cap treo len dinh bach ma them lo ngai
Các nhà khoa học bày tỏ lo lắng trước đề xuất xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã của UBND tỉnh Thừa - Thiên Huế

Đồng quan điểm, bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng không nên làm cáp treo lên đỉnh Bạch Mã mà sẽ thay bằng các loại hình khác.

GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyền (MAB Việt Nam) không nên tập chung phát triển du lịch tại VQG Bạch Mã.

''Nếu phát triển du lịch ở đây thì hàng trăm, hàng ngàn người xuất hiện sẽ làm cho các con thú sợ hãi và không dám quay trở lại. Những loài động vật quý hiếm sẽ bị ảnh hưởng tới tính nguyên thủy và cuối cùng nó sẽ biến mất nếu không còn nơi sống nơi ở nữa, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn'' - ông Trí thẳng thắn.

Tháng 8/2018, nói với Đất Việt về dự án làm cáp treo lên đỉnh Bạch Mã, ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, VQG Bạch Mã đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là vườn di sản ASEAN. Để đạt được các tiêu chí của tổ chức này thì bắt buộc chúng ta phải giữ nguyên vườn quốc gia Bạch Mã.

“Rừng Bạch Mã có những vị trí cao hơn 1000 m. Tôi nghĩ đây cũng là cách để thu hút được du khách trong nước và quốc tế khám phá về khu rừng này.

Dọc đường đi lên khách sẽ quan sát được các loài chim thú, các loại phong lan, phong cảnh, từ đó mói giữ được khách lâu hơn.

Còn đi cáp treo thì rút ngắn được thời gian nhưng ấn tượng đọng lại không nhiều. Ngồi trên đó chúng ta chỉ thấy rừng mà không khám phá được vẻ nguyên sơ xung quanh. Sau khi lên thăm quan vài phút thì đi xuống và như vậy sẽ không giữ được ấn tượng gì về khu rừng này, nhất là với các vị khách nước ngoài”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Đơn vị tư vấn đề xuất khu du lịch sinh thái Bạch Mã chia làm 2 khu. Khu A gần 100 ha ở khu vực Khe Su, dưới chân núi Bạch Mã, là trạm đón khách du lịch, nhà ga cáp treo, dịch vụ trong nhà, công trình phụ trợ...

Khu B 300 ha trên đỉnh Bạch Mã được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái: làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng tâm linh, khu du lịch sinh thái thung lũng thác nước với điểm nhấn là thác Đỗ Quyên và phân khu cảnh quan tự nhiên. Tại đây sẽ xây dựng hàng loạt villa, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng... với chiều cao từ 2 tầng trở xuống.

Ngoài tuyến đường bộ sẵn có, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án sẽ xây dựng 2 tuyến cáp treo, trong đó tuyến số 1 kết nối từ khu A đến làng trung tâm ở khu B dài hơn 4 km với 83 cabin; tuyến số 2 là từ đây xuống khu vực Ngũ Hồ với chiều dài 1,6 km.

Đơn vị làm cáp treo tại VQG Bạch Mã là Tập đoàn POMA (Pháp). Doanh nghiệp này được biết đến là đơn vị đề nghị xây nhiều tuyến cáp treo ở Hà Nội và Hội An (Quảng Nam) nhưng đều chưa được chấp thuận.

Ngọc Mai