|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sở GTVT lên tiếng về dự án cáp treo vượt sông Hồng

17:11 | 04/07/2018
Chia sẻ
Dự án cáp treo vượt sông Hồng được Tập đoàn POMA (Pháp) phải phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam mới được chấp thuận cho đầu tư.

Sáng 4/7/2018, trao đổi với Đất Việt về dự án cáp treo vượt sông Hồng, ông Trần Hữu Bảo - Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: "Phía sở mới chỉ tiếp nhận đề xuất dự án của Tập đoàn POMA (Pháp) chứ chưa có bất kỳ ý kiến gì với họ về dự án này".

Theo ông Bảo, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội mới đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất dự án làm cáp treo vượt sông Hồng của Tập đoàn POMA.

"Chưa biết là dự án này có khả thi hay không, cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế - xã hội không biết có phù hợp hay không. Sở còn phải lấy ý kiến tham mưu của một số cơ quan ban ngành liên quan. Dự án đó đã có gì đâu..." - ông Bảo cho biết.

so gtvt len tieng ve du an cap treo vuot song hong
Dự án cáp treo vượt sông Hồng sẽ không khả thi? (Ảnh minh họa)

Được biết, dự án cáp treo vượt sông Hồng mà Tập đoàn POMA đề xuất có chiều dài khoảng 5,5km (khoảng 1,2km vượt sông và hơn 4km đi trên mặt đất), điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, điểm cuối là bến xe Gia Lâm, độ cao các trụ từ 50 - 100m để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nội đô.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Poma đã tham gia thiết kế kỹ thuật, cung cấp thiết bị một số công trình cáp treo tại những khu du lịch nổi tiếng như: cáp treo Yên Tử dài 1209 m, có độ dốc 341 m là một địa chỉ du lịch hành hương nổi tiếng ở khu vực phía Bắc; Cáp treo Vinpearl Nha Trang dài hơn 3331 m, có độ dốc 28 m, công trình từng được công nhận kỷ lục thế giới: Cáp treo vượt biển dài nhất...

Đây là đơn vị có tiếng trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng các hệ thống điều khiển thang máy, cáp, bao gồm cả cố định và có thể tháo rời ghế nâng đường xe điện trên không.

Nói về dự án này, nhiều chuyên gia cho rằng, mục đích thực sự không phải để giải quyết giao thông nội đô mà chủ yếu làm du lịch. Nếu nói dự án cáp treo vượt sông Hồng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thì sẽ không khả thi bởi chi phí đắt đỏ và năng lực vận chuyển người có giới hạn, thua xa một tuyến xe buýt.

Hiện tại TP. Hà Nội đã có 7 cây cầu lớn vượt sông Hồng, trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội dự tính sẽ xây thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng nữa.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, nếu dự án này đi vào thực hiện sẽ cần quỹ đất lớn. Hai khu vực điểm đầu và điểm cuối của dự án cáp treo sẽ phải giải tỏa, ngoài ra các nơi đặt trụ cáp treo cũng phải giải phóng mặt bằng.

"Những nơi mà có cáp treo đi qua cũng phải giải phóng mặt bằng vì tính an toàn. Không thể để một cabin nặng hàng tấn, chở theo nhiều người đi trên nhà dân, nếu có sự cố xảy ra thì hậu quả khó lường hoặc để cáp treo gần điện cao thế được" - TS Nguyễn Xuân Thủy nói thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng đặt ra vấn đề độ tĩnh không tại khu vực xây dựng dự án cáp treo vượt sông Hồng mà Tập đoàn POMA đề xuất. Dự án gần sân bay quân sự Gia Lâm nên cần phải có ý kiến từ phía Bộ Quốc phòng.

Xem thêm

Liên Phương