|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãi vay margin neo cao: Bèo nước hết tương phùng?

17:00 | 16/11/2023
Chia sẻ
Cuối năm 2022, khi mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, nước nổi bèo nổi, các công ty chứng khoán tăng lãi suất cho vay ký quỹ. Nhưng khi mặt bằng lãi suất giảm trong năm 2023, lãi suất cho vay ký quỹ tại nhiều công ty chứng khoán vẫn neo cao.

Lãi suất margin không hạ nhiệt, neo quanh 13 - 14%/năm

Đặc thù chứng khoán Việt Nam số đông là nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu vay ký quỹ (margin) cao. Do đó, chi phí lãi suất margin tác động một phần đến hoạt động đầu tư.

Vào năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Đặc biệt giai đoạn cuối năm, các ngân hàng nâng lãi suất cho vay khi huy động đầu vào cao. Như quy luật tất yếu “nước nổi bèo nổi”, các CTCK đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay margin, chủ yếu quanh 13,5 - 15%/năm. Lãi suất quá hạn thường là 150% tính trên lãi suất margin, tức khoảng 20%/năm.

Qua năm 2023, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động tiết kiệm của thị trường cũng xuống mức thấp kỷ lục, có ngân hàng huy động vốn kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 5%/năm. Ở đầu ra, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn.

Song, mặt bằng lãi suất cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán vẫn neo cao. Việc điều chỉnh giảm lãi cho vay xuất hiện ở một số tổ chức, không phải quy mô diện rộng khi tăng.

Theo thống kê, mặt bằng lãi cho vay margin ở các công ty chứng khoán lớn trong nước với các sản phẩm phổ thông nằm trong khoảng 13 - 14%/năm. Nhóm CTCK ngoại có mặt bằng lãi suất thấp hơn (9,9 - 11,5%), nhưng cũng không hề thu hẹp so với năm trước. Song, đây lại là nhóm chiếm thị phần thấp hơn rất nhiều so với các CTCK nội, nên dư nợ cho vay cũng ít hơn.

Như đề cập trên, trường hợp giảm lãi suất trong diện hẹp. Ví dụ vào đầu năm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) hạ từ 14%/năm tại cuối quý IV/2022 về 13,5%/năm áp dụng từ tháng 2/2023. Hay mới đây đầu tháng 11, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) thông báo giảm lãi suất vay 0,5 điểm % so với trước, từ 12 - 14%/năm về 11,5 - 13,5%/năm. TCBS và VPBankS cũng thông báo giảm lãi suất cho vay 0,5% ở các đối tượng.

Thay vì điều chỉnh chính sách cho vay ký quỹ để áp dụng trên diện rộng khách hàng, một giải pháp được nhiều tổ chức lựa chọn đó là tung ra các chương trình, gói cho vay. Mức lãi suất margin tại các gói vay, chương trình thường thấp hơn 2 - 4% so với mức lãi suất được áp dụng với khách hàng phổ thông. Tuy vậy, điều kiện để tham gia cũng khá khắt khe khi khách hàng phải đáp ứng điều kiện về dư nợ, giá trị giao dịch, tài sản ròng... Một số nhà đầu đánh giá những gói vay margin đó phù hợp hơn với "khách VIP" hoặc lô lớn (deal).

Lãi suất vay margin cho khách hàng cá nhân tại thời điểm giữa tháng 11/2023 (áp dụng với sản phẩm phổ thông). Nguồn: Tổng hợp từ thông tin công bố của các CTCK. Lưu ý lãi suất có thể thay đổi tùy theo chính sách riêng của CTCK tại từng thời điểm, đối tượng cụ thể.

Vì sao lãi suất cho vay margin vẫn neo cao?

Từ thực tế hiện nay, câu hỏi đặt ra tại sao các công ty chứng khoán không hạ lãi suất cho vay margin. Nếu nhìn vào cấu trúc vốn, các đơn vị có hai nguồn tiền để cho vay đó là vốn chủ và vay nợ. Nhìn vào cơ cấu vay nợ tài chính của các CTCK, phần lớn vẫn đến từ ngân hàng và xu hướng tăng dần về tỷ trọng và giá trị tuyệt đối.

Theo dữ liệu WiGroup, cơ cấu nợ của 30 CTCK lớn tại thời điểm 30/9 tiếp tục tập trung nhiều vào nguồn nợ vay tín dụng (chiếm 86% tổng nợ phải trả), trong khi đó tỷ lệ này tại cùng kỳ 2022 là 70%. Vay nợ ngân hàng có dấu hiệu tăng lên, chủ yếu do CTCK đẩy mạnh sử dụng nguồn vốn ngắn hạn.

Quan sát hoạt động cho thấy các CTCK liên tục có động thái gia hạn hoặc mở mới mức tín dụng hàng nghìn tỷ đồng, tập trung từ giữa năm đến nay. Ví dụ vào tháng 10, Chứng khoán VPS, ACBS, SHS thông qua việc vay vốn tại các ngân hàng VPBank, BIDV, SHB với hạn mức tối đa lần lượt 7.000 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng.

Trong quý III, thị trường cũng còn ghi nhận nhiều trường hợp tương tự ký hợp đồng vay hạn mức tín dụng với ngân hàng như Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Mã: CTS) (250 tỷ đồng), Chứng khoán DSC (900 tỷ đồng), Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) (900 tỷ đồng), Chứng khoán MartInvest (250 tỷ đồng), Chứng khoán MB (Mã: MBS) (1.500 tỷ đồng)...

Cơ cấu nợ ngành chứng khoán. Nguồn: WiGroup.

Các CTCK cho biết vay chủ yếu nhằm một số mục đích như đầu tư trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, đầu tư cổ phiếu, cho vay margin hoặc ứng trước tiền bán chứng khoán... Như vậy, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, CTCK sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động margin từ nguồn vốn ngân hàng.

Như đã đề cập ở trên, nhờ nguồn vốn linh hoạt với kỳ hạn cho margin 3 - 6 tháng, các công ty chứng khoán chủ yếu sử dụng nguồn tín dụng ngắn hạn với mức lãi suất thấp. Ví dụ, như Chứng khoán HSC đang trả lãi suất vay ngắn hạn 5,2 - 7,6%/năm, Chứng khoán KIS có lãi suất đầu vào 4,14 - 7,4%. VNDirect không thuyết minh cụ thể lãi suất đầu vào nhưng cho biết mức thấp nhất là 2,6%/năm.

Với các khoản vay nước ngoài, lãi suất tại các công ty chứng khoán như KIS là lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm (SOFR) cộng với 1 - 1,2%, quy đổi ở mức 5.x%/năm. 

So sánh với lãi suất đầu vào của các công ty chứng khoán, lãi cho vay margin đang gấp 2 - 2,5 lần mặc dù tương đồng về kỳ hạn. Lý giải về quyết định neo cao lãi suất cho vay margin tại các công ty chứng khoán, ba giả định có thể được đưa ra như sau.

Thứ nhất, công ty chứng khoán áp dụng lãi suất cao như một phần bù rủi ro tổn thất khi cho vay. Nhưng khi theo dõi báo cáo mới đây nhất của các công ty chứng khoán, dự phòng mất vốn từ các khoản cho vay margin rất thấp. Ngay cả trong giai đoạn thị trường điều chỉnh sâu cuối năm 2022 với làn sóng giải chấp, số công ty chứng khoán phải trích lập dự phòng cho vay margin là không nhiều.

Giả định thứ hai, lật ngược lại bối cảnh vào cuối 2022, khi lãi suất vay ngân hàng liên tục tăng cao, các CTCK chưa điều chỉnh tăng theo nhằm mục đích giữ chân khách hàng. Quay lại năm 2023, có thể các đơn vị duy trì lãi cho vay margin cao để bù đắp khoản hao hụt thu nhập trước kia.

Thứ ba, về mặt chủ quan, việc giảm lãi suất hay không còn tùy thuộc vào nhận định của từng CTCK trước sự rủi ro trong hoạt động margin. Nếu đánh giá rủi ro cao, việc sử dụng đòn bẩy cao không được khuyến khích.

Lãi từ cho vay margin và phải thu của 74 công ty chứng khoán. Nguồn: XN tổng hợp.

Thực tế những gì đã diễn ra dường như phủ định ba giả thiết trên. Trong quý III, khi thị trường chứng khoán sôi động, nhu cầu vay margin cao đẩy dư nợ tại 50 công ty chứng khoán tăng thêm 12.000 tỷ đồng, đạt khoảng 156.000 tỷ đồng, thấp hơn 28.000 tỷ đồng so với đỉnh cao trong quý I/2022.

Nhưng nhìn vào lãi từ cho vay và phải thu của các công ty chứng khoán, sự chênh lệch so với mức đỉnh quý đầu năm ngoái là không nhiều. Thống kê 74 CTCK trên thị trường, giá trị khoản lãi từ cho vay và phải thu, chủ yếu từ cho vay margin, chạm đáy 2 năm vào quý I/2023, với khoảng 3.500 tỷ đồng. Con số này tăng dần qua quý II và đạt trên 4.900 tỷ đồng tại quý III, tiệm cận ngưỡng 5.055 tỷ đồng trong quý I/2022.

Khi lãi suất đầu vào đi xuống, margin tiếp tục là "miếng bánh thơm" của các công ty chứng khoán. Không riêng nhóm ngoại, nhiều công ty chứng khoán con của ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay margin trong quý vừa qua. Số liệu thống kê cũng cho thấy sự sôi động hơn từ nhóm nội trong hoạt động margin. Nhưng trong bối cảnh các ngân hàng điều chỉnh lãi cho vay hiện nay, lãi margin của các công ty chứng khoán đang vận động theo kịch bản "bèo nước hết tương phùng", không đồng pha như cách đây một năm.

Xuân Nghĩa