CTCK điều chỉnh margin với hai bluechip giảm sâu
Theo quan sát, một số công ty chứng khoán thông báo điều chỉnh chính sách cho vay ký quỹ (margin) để quản trị rủi ro. Cụ thể, công ty chứng khoán có dư nợ cho vay đứng thứ hai thị trường là Mirae Asset (Việt Nam) đã giảm giá chặn cho vay cổ phiếu MSN của Masan từ 74.000 đồng/cp xuống còn 63.000 đồng/cp.
Sau khi cổ phiếu DTD của CTCP Đầu tư phát triển Thành Đạt mất 1/3 giá trị từ vùng đỉnh đầu tháng 7 và doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, Mirae Asset (Việt Nam) cũng giảm giá chặn từ 26.000 đồng/cp còn 22.610 đồng/cp.
Tương tự, Chứng khoán Phú Hưng giảm giá chặn với mã DTD từ 42.200 đồng/cp còn 23.000 đồng/cp. Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng giảm giá chặn với hai cổ phiếu VIC và AAT.
Trong khi Mirae Asset (Việt Nam) giảm giá cho vay tối đa với Masan, Phú Hưng giảm giá chặn với mã VIC của Tập đoàn Vingroup giảm từ 70.000 đồng/cp còn 41.600 đồng/cp. Hai mã này có diễn biến kém tích cực trong thời gian gần đây.
Trong thông báo mới đây, Chứng khoán Everest thông báo cắt margin cổ phiếu HTP của CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát. Nguyên nhân đến từ việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo nguy cơ hủy niêm yết với cổ phiếu này.
Một công ty chứng khoán ngoại khác là JB Việt nam cũng điều chỉnh margin khi tăng tỷ lệ cho vay với mã CTF và cắt tại DMC. Trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã đưa DMC khỏi danh mục cho vay ký quỹ.
Trở lại với hoạt động điều chỉnh chính sách margin của các công ty chứng khoán, thông thường các thành viên thị trường sẽ có ba động thái chính.
Thứ nhất, công ty chứng khoán bổ sung cổ phiếu hoặc đưa ra khỏi danh mục cho vay ký quỹ theo cập nhật của Sở HOSE, HNX.
Thứ hai, công ty điều chỉnh tăng giảm tỷ lệ cho vay theo đánh giá quản trị rủi ro. Với những cổ phiếu bluechip, vốn hóa lớn của doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, tỷ lệ cho vay của các công ty chứng khoán cao nhất là 50%. Thậm chí một số công ty chứng khoán cung cấp danh mục margin với nhóm cổ phiếu nhất định với tỷ lệ cho vay lên tới 70%, 80%.
Thứ ba, công ty chứng khoán điều chỉnh mức giá chặn. Đây là giá tối đa công ty chứng khoán cho vay tối đa với một mã chứng khoán. Sự điều chỉnh xuất phát từ việc định giá lại để quản trị rủi ro hoặc điều chỉnh giá khi phát hành, chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ví dụ, với một cổ phiếu có tỷ lệ margin 50%, khi công ty chứng khoán điều chỉnh giá chặn từ 60.000 đồng/cp còn 40.000 đồng/cp, số tiền cho vay tối đa sẽ giảm từ 30.000 đồng/cp còn 20.000 đồng/cp. Khi giá cổ phiếu tăng lên 50.000 đồng/cp, giá trị cho vay tối đa sẽ vẫn giữ ở mức 20.000 đồng/cp.