|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất LIBOR sẽ bị 'khai tử' vào cuối năm nay

08:52 | 23/08/2021
Chia sẻ
Lãi suất liên ngân hàng London (Libor), nền tảng của 300 tỷ USD tài sản tài chính, sẽ được thay thế sau năm 2021.

Theo báo cáo đề xuất chuyển đổi lãi suất tham chiếu cho sản phẩm vay tài chính, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết Tháng 7/2017, Cơ quan Quản lý tài chính Vương quốc Anh (FCA) đã thông báo ý định ngừng sử dụng lãi suất cho vay liên ngân hàng London (LIBOR) vào cuối năm 2021. 

Hồi đầu tháng 3 năm nay, FCA đã thông báo việc công bố LIBOR trên cơ sở tham chiếu sẽ chấm dứt ngay lập tức đối với tất cả các giao dịch bằng đồng yên Nhật cũng như các giao dịch kỳ hạn 1 tuần và 2 tháng bằng USD ngay sau ngày 31/12/2021. Các giao dịch còn lại bằng USD sẽ chấm dứt ngay lập tức sau ngày 30/6/2023. 

Theo ADB, ước tính các hợp đồng tài chính với tổng giá trị từ 200 - 300 tỷ USD hiện đang được chuẩn hóa theo LIBOR trên toàn cầu.

NHNN phải điều chỉnh dự thảo sửa đổi Thông tư 02

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa NHNN và tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối.

Theo Thông tư số 02,  trong trường hợp thanh toán chậm so với giao dịch NHNN với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên thanh toán chậm sẽ chịu mức phạt. Nếu bằng ngoại tệ, mức phạt tối đa 150% lãi suất LIBOR 1 tuần của đồng tiền thanh toán tại ngày phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày trả chậm". 

Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Anh (FCA), lãi suất LIBOR tham chiếu nói trên chỉ được công bố đến hết năm 2021. Vì vậy, NHNN cần phải nghiên cứu, điều chỉnh nội dung này.

Vào đầu tháng 4, BIDV cũng ra thông báo về việc chuyển đổi lãi suất LIBOR. Theo đó, ngân hàng dự kiến các lãi suất tham chiếu thay thế đối với 3 ngoại tệ có ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: USD LIBOR, EUR LIBOR/ EURIBOR và JPY LIBOR/ TIBOR.

Lãi suất Libor sẽ bị 'khai tử' vào cuối năm nay - Ảnh 1.

Thông báo về việc chuyển đổi lãi suất LIBOR. (Nguồn: BIDV).

BIDV cho biết việc chuyển đổi lãi suất tham chiếu sẽ có ảnh hưởng đến các hợp đồng, thỏa thuận hoặc dịch vụ giữa khách hàng và BIDV đang sử dụng LIBOR là lãi suất tham chiếu. 

Do vậy, để bảo đảm tính liên tục của các hợp đồng, dịch vụ hiện hữu trong quá trình chuyển đổi LIBOR, BIDV và khách hàng có thể sẽ cần sửa đổi hợp đồng để điều chỉnh thông tin về lãi suất hoặc bổ sung các điều khoản dự phòng phù hợp.

Vì sao phải bỏ lãi suất LIBOR?

Phương pháp tính LIBOR hầu như không thay đổi kể từ khi được áp dụng. Hàng ngày, một nhóm các ngân hàng lớn, còn gọi là “các ngân hàng thành viên hội đồng”, thông báo lãi suất cho vay của họ cho Sàn Giao dịch chuẩn hóa liên lục địa, đơn vị quản lý LIBOR từ năm 2014. 

Những số liệu này được loại bỏ các giá trị cao nhất và thấp nhất, sau đó tính trung bình, và công bố vào khoảng 11:55 sáng theo giờ London vào mỗi ngày giao dịch. Tuy nhiên, ADB cho biết có hai vấn đề chính đối với quy trình này. 

Thứ nhất, có sự sụt giảm đáng kể trong quy mô nhóm mẫu để tính toán LIBOR kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau khủng hoảng, số lượng ngân hàng thành viên ít đi, trong khi các ngân hàng có báo cáo thì cũng đưa ra ít mức giá dựa trên các giao dịch thị trường hơn. 

Thay vào đó, LIBOR ngày càng dựa nhiều hơn vào "nhận định của chuyên gia dựa trên dữ liệu thị trường và giao dịch". Do đó, phát sinh những quan ngại về việc liệu LIBOR có phản ánh đúng thực tế thị trường khi không còn dựa trên các giao dịch thị trường thực tế. 

Thứ hai, việc LIBOR dựa trên thông tin đầu vào từ các ngân hàng thành viên hội đồng khiến LIBOR dễ bị thao túng.

Kết quả là mức lãi suất tham chiếu thay thế (ARR) được xây dựng. Trên thị trường USD, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) năm 2014 đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Lãi suất tham chiếu thay thế (ARRC) đưa ra khuyến nghị về mức lãi suất tiêu chuẩn để thay thế LIBOR cho đồng USD.


Phương Nga