|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV huy động 500 tỷ đồng trái phiếu từ một tổ chức tín dụng, lãi suất 6,45% cho năm đầu tiên

21:02 | 21/08/2021
Chia sẻ
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và là nợ thứ cấp của BIDV, thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.
BIDV huy động 500 tỷ đồng trái phiếu từ một tổ chức tín dụng, lãi suất 6,45% năm đầu tiên - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: BIDV).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, Mã: BID) vừa công bố kết quả phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 8 năm được phát hành vào ngày 12/8 vừa qua.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và là nợ thứ cấp của BIDV, thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Lãi trái phiếu được trả định kỳ hàng năm, lãi suất tính bằng lãi tham chiếu cộng 0,9%/năm. Trong đó, lãi tham chiếu bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV. Theo đó, lãi suất được áp dụng cho kỳ thanh toán đầu tiên là 6,45%/năm.

Việc phát hành trái phiếu nhàm tăng quy mô vốn hoạt động của BIDV, tạo thêm kênh hút vốn trung dài hạn để đấp ứng như cầu khách hàng và đảm bảo nguồn vốn bền vững cho ngân hàng.

Theo kết quả công bố, một tổ chức tín dụng trong nước đã mua lại toàn bộ số trái phiếu trên. Bên đứng ra tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, tổ chức đăng ký, lưu ký và phát hành là CTCP Chứng khoán VNDirect.

Trên thị trường trái phiếu, các ngân hàng vẫn là nhóm chủ yếu hút vốn qua kênh này, bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản. 

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 6 tháng đầu năm, có 306 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị là 186.683 tỷ đồng. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng, chiếm hơn 36%. 

Một số ngân hàng có khối lượng lớn trái phiếu phát hành với lãi suất thấp, kỳ hạn ngắn hơn 5 năm, bao gồm ACB (11.200 tỷ đồng), VPBank (9.900 tỷ đồng), TPBank (6.000 tỷ đồng), OCB (5.000 tỷ đồng) và HDBank (4.600 tỷ đồng)

Lê Huy