|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất giảm, gửi tiền ngân hàng vẫn được ưa thích?

10:31 | 18/08/2020
Chia sẻ
Từ tháng 4, lãi suất huy động có xu hướng giảm rõ rệt, tuy nhiên tiền gửi tại các ngân hàng vẫn tăng mạnh trong quí II.

Tiền gửi ngân hàng tăng mạnh vào quí II

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quí II, tính đến ngày 30/6, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng đạt hơn 6,76 triệu tỉ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2019.

Trong đó có 26 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi, chỉ có hai ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi giảm.

SCB là ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng lớn nhất sau 6 tháng từ 438.287 tỉ đồng lên 528.720 tỉ đồng, tương đương tăng 20,6%. Đây cũng là ngân hàng có khối lượng tiền gửi lớn nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân.

Tại HDBank và Nam A Bank, mức tăng trưởng tiền gửi khách hàng cũng không kém với lần lượt 18,9% và 17,4%, đạt 149.805 tỉ đồng và 83.067 tỉ đồng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 6 tháng ghi nhận ở mức khiêm tốn hơn, cao nhất là Vietcombank với 5,7%, tiếp đến là VietinBank và BIDV với 2,3% và 1,6%.

Lãi suất giảm, gửi tiền ngân hàng vẫn được ưa thích? - Ảnh 1.

Tăng trưởng tiền gửi khách hàng các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Sự tăng trưởng tiền gửi diễn ra mạnh hơn vào các tháng 4, 5, 6, trong khi vào quí I/2020, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của nhiều ngân hàng ghi nhận ở mức thấp, thậm chí giảm tại nhiều ngân hàng. 

Điển hình là SCB, ngân hàng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất sau 6 tháng, đã từng ghi nhận tiền gửi giảm hơn 1% trong quí I với 433.740 tỉ đồng. Chỉ trong quí II, lượng tiền gửi khách hàng đã tăng gần 95.000 tỉ đồng.

Tại VPBank, trong 3 tháng đầu năm, lượng tiền gửi khách hàng chỉ tăng 1.766 tỉ đồng, thế nhưng trong quí II, số dư tiền gửi đã tăng thêm 21.061 tỉ đồng.

Hay như MB, trong quí I, lượng tiền gửi đã giảm 31.973 tỉ đồng so với cuối năm trước nhưng vào quí II, tiền gửi khách hàng đã tăng trở lại (thêm 16.642 tỉ đồng so với cuối tháng 3).

Lãi suất giảm, gửi tiền ngân hàng vẫn được ưa thích? - Ảnh 2.

Đvt: tỉ đồng. (Nguồn: LH tổng hợp).

Các ngân hàng vốn nhà nước cũng không nằm ngoại lệ. Tính đến 31/3, BIDV ghi nhận mức sụt giảm tiền gửi khách hàng lên tới 13.870 tỉ đồng so với cuối năm ngoái, giảm 1,24%. Chỉ sau 3 tháng quí II, BIDV đã huy động bù lại 31.226 tỉ đồng.

Tại Vietcombank, mức huy động thêm trong quí II gấp hơn 8 lần so với quí I. Nếu như trong 3 tháng đầu năm tiền gửi khách hàng chỉ tăng khá khiêm tốn thêm 5.597 tỉ đồng, thì trong quí II con số này đã tăng lên 47.080 tỉ đồng. 

...bất chấp lãi suất giảm 

Đáng chú ý, lượng tiền gửi khách hàng đã tăng mạnh trong quí II bất chấp các ngân hàng giảm lãi suất huy động

Theo SSI Research, trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2 điểm % so với cuối năm 2019 ở phần lớn các ngân hàng. Tính bình quân, lãi tiền gửi đã giảm 0,7 - 0,9 điểm % ở kì hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 1 điểm % ở các kì hạn trên 1 năm so với mức bình quân năm 2019.

Lãi suất có xu hướng đi xuống rõ rệt kể từ tháng 4 cho tới nay.

Lãi suất giảm, gửi tiền ngân hàng vẫn được ưa thích? - Ảnh 3.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Dù lãi suất giảm, gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh an toàn đối với nhà đầu tư". 

Theo ông, đầu tư chứng khoán trong thời gian vừa qua tương đối bất ổn, đầu tư vào bất động sản cần lượng vốn lớn, kênh đầu tư vàng có khả năng sinh lời cao nhưng cũng rất rủi ro khiến nhà đầu tư dè chừng.

"Tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng vẫn tăng lên do đây vẫn là một nơi giữ tiền an toàn. Nhà đầu tư vẫn gửi tiền để chờ đợi cơ hội đầu tư trong tương lai", ông Hiếu nhận định.

Từ đầu tháng 7 đến nay, các ngân hàng đã trải qua thêm hai đợt giảm lãi suất mới, một vào đầu tháng 7 và một vào đầu tháng 8 mới đây. Tuy nhiên, trước một nền kinh tế có khả năng hấp thụ tín dụng kém như hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay.

Lê Huy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.