|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất đang hạ, lạm phát bất ngờ tăng

12:00 | 11/12/2019
Chia sẻ
Lần đầu tiên sau 14 năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng ...

Lần đầu tiên sau 14 năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng gửi tại NHNN. 

Cụ thể lãi suất dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng hạ từ mức 1,2%/năm về 0,8%/năm; bằng ngoại tệ về 0%/năm. Ngoài ra, NHNN cũng quyết định đưa lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng của Kho bạc Nhà nước ở NHNN về 1%/năm từ mức 1,2%/năm trước đó.

Lãi suất đang hạ, lạm phát bất ngờ tăng - Ảnh 1.

Việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc tiền đồng giúp NHNN điều chỉnh cho phù hợp hơn với mặt bằng lãi suất chung. Ảnh minh họa Thành Hoa

Các quy định mới về bản chất không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng. Hiện tại mức dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng áp dụng cho đa số các ngân hàng (trừ Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân) là 3% trên tổng vốn huy động đối với các khoản tiền gửi dưới 12 tháng và 1% đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Giả sử vốn huy động tiền đồng của một ngân hàng là 100.000 tỉ đồng, trong đó tiền gửi trên 12 tháng chiếm 40%, thì số tiền dự trữ bắt buộc là 1.800 tỉ đồng áp dụng mức 3% và 400 tỉ đồng áp dụng mức 1%. 

Số 1.800 tỉ đồng kia trước đây được NHNN trả lãi suất 1,2%/năm, tức 21,6 tỉ đồng/năm, nay sẽ được trả 0,8%/năm tương đương 14,4 tỉ đồng/năm. Lãi suất mà ngân hàng được hưởng từ 400 tỉ đồng dự trữ bắt buộc còn lại cũng không xê dịch nhiều.

Với người gửi tiền, trần lãi suất tiết kiệm ngắn hạn 5%/năm trong khi lạm phát sắp cán đích 4%, là không thực sự hấp dẫn.

Việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc tiền đồng, như thế, chỉ giúp NHNN điều chỉnh cho phù hợp hơn với mặt bằng lãi suất chung. Lãi suất trái phiếu chính phủ đang rất thấp ở tất cả các kỳ hạn, nên không có lý do gì mà NHNN duy trì lãi suất dự trữ bắt buộc đã tồn tại từ năm 2005.

Thống kê của NHNN đến hết tháng 9-2019 cho thấy tổng vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế của hệ thống ngân hàng là 8,42 triệu tỉ đồng, tăng hơn 9% so với cuối năm ngoái. Không có dữ liệu chính thức để hiểu rõ cơ cấu vốn huy động bao nhiêu phần trăm là ngoại tệ, bao nhiêu phần trăm là tiền đồng và tỷ trọng các kỳ hạn tiền gửi ra sao.

NHNN đang từng bước thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ và tổng vốn huy động bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đang có chiều hướng giảm. Có thể dự đoán tỷ trọng vốn huy động bằng ngoại tệ sẽ còn co hẹp do lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0%/năm và tỷ giá ổn định.

Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58 có hiệu lực từ ngày 1-11-2019 yêu cầu Kho bạc Nhà nước phải gửi tiền thu được từ phát hành trái phiếu mà chưa giải ngân vào tài khoản mở tại NHNN, việc này sẽ không thể diễn ra ngay một lúc. 

Khoảng 235.000-250.000 tỉ đồng tùy thời điểm tiền gửi của kho bạc ở các ngân hàng sẽ chỉ được kết chuyển về NHNN một cách từ từ nhằm tránh làm xáo trộn nguồn vốn của các tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu báo trước việc rút tiền của kho bạc ở các ngân hàng đang làm lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng lên. Sự gia tăng này có khả năng cộng hưởng bởi tính thời vụ như nhu cầu giải ngân vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân.

Những động thái gần đây của NHNN chỉ ra cơ quan quản lý tiền tệ đang nỗ lực thực thi một phương thức điều hành chuyên nghiệp, có quan sát kỹ lưỡng diễn biến thị trường tài chính quốc tế. 

Nhưng điều đó không đồng nghĩa mặt bằng lãi suất sẽ còn đi xuống trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục cao trong tháng 10 và 11. 

Dịch tả heo châu Phi tác động đến nguồn cung thịt heo, đẩy giá heo hơi leo thang chóng mặt. Giờ đến lượt giá gia cầm như gà vịt tăng theo.

Giá thịt heo, thịt gia cầm đã làm chỉ số giá thực phẩm tháng 11 tăng 4,11% so với tháng liền kề - mức kỷ lục. 

Chỉ số CPI tháng 10 và tháng 11-2019 tăng tổng cộng 1,65%, nâng chỉ số CPI từ đầu năm đến nay, theo Tổng cục Thống kê, lên 3,78%. Mục tiêu lạm phát 4% mà Quốc hội phê duyệt đang rất gần.

Với người gửi tiền, trần lãi suất tiết kiệm ngắn hạn 5%/năm trong khi lạm phát sắp cán đích 4%, là không thực sự hấp dẫn. Dòng vốn nhàn rỗi có thể tìm đến các kênh khác, chủ yếu bất động sản. 

Dù thế câu chuyện Cocobay Đà Nẵng đang khiến những người có ý định đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng phải suy nghĩ lại. Chưa kể trong hai tháng qua, các ngân hàng dần kiểm soát vốn vay bất động sản chặt hơn.

Hải Lý