|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất chưa kịp giảm đã phải đối mặt với áp lực tăng

15:30 | 05/10/2017
Chia sẻ
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp ban hành những chính sách nhằm định hướng ổn định lãi suất, hoặc có thể giảm thêm theo như yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, trong khi mặt bằng lãi suất thị trường thời gian qua chưa kịp giảm như kỳ vọng thì gần đây đã xuất hiện một số yếu tố gây áp lực lên lãi suất đầu vào của các ngân hàng.
lai suat chua kip giam da phai doi mat voi ap luc tang
Tổng cục Thống kê dự báo từ nay đến cuối năm 2017, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng. Điều này, cùng với sự điều chỉnh giá của một số loại hàng khác khác, sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh: THÀNH HOA

Lãi suất có tín hiệu tăng lên?

Đầu tháng 7 năm nay, NHNN đã giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu, cho vay qua đêm thanh toán bù trừ và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Đây được xem như lời nhắn gửi đến thị trường về định hướng chính sách của nhà điều hành cũng như để phản hồi cho yêu cầu giảm lãi suất của Chính phủ suốt những tháng đầu năm. Ngoài ra, việc mua ròng trên thị trường ngoại hối để gia tăng dự trữ ngoại tệ của NHNN đã giúp tăng lượng thanh khoản tiền đồng cho các ngân hàng và đảm bảo lãi suất được ổn định.

Tuy nhiên, trong khi lãi suất trên thị trường trái phiếu và liên ngân hàng đã giảm về đáng kể so với giai đoạn trước đó, thì lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 (thị trường ngân hàng với các tổ chức kinh tế, dân cư) gần như không giảm thêm. Thống kê cho thấy lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng trong tháng 9 đã tăng 0,03%, kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng 0,02% so với tháng 8. Dù vậy, gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ, vẫn tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%.

Rõ ràng trong tình hình lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng không giảm được thì rất khó để lãi suất cho vay giảm theo, nhất là khi mục tiêu tín dụng của các ngân hàng đã được điều chỉnh tăng lên gần đây. Hệ quả là trong tháng 9 vừa qua, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi để chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm, đáng chú ý là động thái tăng mạnh lãi suất huy động của VietinBank - ngân hàng thương mại gốc Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp hơn bình quân thị trường suốt từ tháng 9 năm ngoái đến nay.

Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng có dấu hiệu tăng trở lại từ giữa tháng 8 đến nay.

Áp lực từ lạm phát và cầu vốn tín dụng

Chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian qua, theo đó, đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay lên mức cao trên 20%, có thể kéo theo hệ quả lạm phát tăng nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo, tất yếu sẽ gây áp lực lên lãi suất.

Người gửi tiền thường nhìn vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát kỳ vọng để xem xét liệu gửi ngân hàng là có lợi hay không. Trong giai đoạn sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng khá ổn định, thậm chí có xu hướng giảm dần, đã phần nào giúp cho kênh tiền gửi ngân hàng vẫn hấp dẫn. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã có ba tháng tăng liên tiếp với tốc độ khá nhanh, kết quả là lạm phát bình quân chín tháng qua đã lên mức 3,79% và ngày càng gần mục tiêu 4% đề ra cho năm nay.

Ngoài yếu tố điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục tại các tỉnh, thành theo lộ trình đã đặt ra, thì sự tăng giá trở lại của nhóm ngành giao thông là đáng chú ý, khi tháng 8 và tháng 9 tăng mạnh lần lượt là 2,13% và 1,51% so với tháng trước. Đây là hệ quả của việc giá dầu thế giới trong xu hướng phục hồi trở lại dẫn đến giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tăng bốn lần liên tiếp trong hai tháng gần đây. Với đà phục hồi ấn tượng 13% trong tháng 9, các dự báo cho giá dầu trong năm nay từ các tổ chức quốc tế đã trở nên lạc quan hơn rất nhiều. Tổng cục Thống kê cũng dự báo từ nay đến cuối năm 2017, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng. Điều này, cùng với sự điều chỉnh giá của một số loại hàng khác khác, sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Trong khi đó, dù giá thịt heo giảm mạnh nhưng giá thực phẩm tiếp tục tăng trong ba tháng qua. Mức tăng giá của nhóm ngành nhà ở và vật liệu xây dựng cũng đáng chú ý khi duy trì xu hướng đi lên liên tiếp trước nhu cầu xây dựng ngày càng cao. Với những ảnh hưởng từ mưa lũ và bão quét trong tháng vừa qua tại một số tỉnh miền Trung, thì dự báo chỉ số giá lương thực, thực phẩm và xây dựng có thể tiếp tục tăng. Trong báo cáo “Cập nhật triển vọng châu Á 2017” gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo lạm phát trung bình năm 2017 của Việt Nam lên 4,5% và tiếp tục tăng lên 5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi đầu tháng 4 năm nay. Chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian qua, theo đó, đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay lên mức cao trên 20%, có thể kéo theo hệ quả lạm phát tăng nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo, tất yếu sẽ gây áp lực lên lãi suất.

Ngoài ra, cập nhật gần nhất của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến 20-9-2017 đạt 11,02%, trong khi tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 10,08%. Với tình trạng huy động vốn không theo kịp nhu cầu vốn cho vay trong thời gian qua cũng như những tháng cuối năm nay thì lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm như kỳ vọng.

Áp lực từ tỷ giá

Quí 4 thường là giai đoạn thị trường ngoại hối có nhiều biến động, do nhu cầu ngoại tệ tăng từ các doanh nghiệp để nhập khẩu, hoàn trả các khoản vay ngoại tệ, cũng như hoạt động đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong những tháng cuối năm. Với tình trạng tiền đồng chịu áp lực mất giá thì lãi suất tiền đồng buộc phải neo ở một mức hấp dẫn đủ để người gửi tiền không chuyển sang đầu tư lướt sóng tỷ giá.

Trong những tháng đầu năm nay, tiền đồng dù trượt giá so với đô la Mỹ nhưng thị trường ngoại hối vẫn được kiểm soát ổn định. Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đột biến trong chín tháng qua so với cùng kỳ sẽ phần nào gây áp lực lên cầu ngoại tệ trong giai đoạn cuối năm. Tỷ giá trung tâm của NHNN đã có diễn biến tăng đáng chú ý trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, khi tăng thêm 22 đồng trong ba ngày liên tiếp.

Cuộc họp tháng 9 vừa qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thống nhất việc cơ quan này sẽ bắt đầu giảm số dư trên bảng cân đối kế toán từ tháng 10 thông qua việc ngưng tái đầu tư vào trái phiếu, cũng như củng cố thêm khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay. Triển vọng tăng giá trở lại của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ càng gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong thời gian tới. Chỉ số USD Index gần đây đã phục hồi đáng kể từ quanh mức 91 lên trên mốc 93.

lai suat chua kip giam da phai doi mat voi ap luc tang [Infographic] Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi, tháng 10 lãi suất ở đâu cao nhất?

Theo khảo sát từ hơn 30 ngân hàng vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 này cho thấy PVcomBank đang là ngân hàng có ...

Thụy Lê