|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất cho vay khó giảm trên diện rộng

15:40 | 03/08/2019
Chia sẻ
Nếu hạ lãi suất cho vay thì buộc các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng và cân đối chi phí, NIM mới có thể giảm lãi suất đầu ra.

Lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 0,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định giảm lãi suất sẽ không lan tỏa trên diện rộng mà chủ yếu xảy ở khối nhóm NHTM nhà nước (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank) là chính.

Cụ thể, từ ngày 1/8, cả 4 NHTM Nhà nước đồng loạt tuyên bố giảm tiếp lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm xuống còn tối đa là 5,5%/năm, tức thấp hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 1%, áp dụng từ 1/8/2019 đến hết 31/12/2019. 

Đây là lần giảm lãi suất thứ 2 của nhóm NHTM nhà nước sau đợt giảm lãi suất cho vay. Trước đó, vào ngày 10/1/2019, nhóm này đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm theo lời kêu gọi của Thống đốc NHNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết việc giảm lãi suất lần này được xem là yếu tố bất ngờ của các ngân hàng. 

Ông Minh cũng cho biết thêm, lãi suất trong nước ngay từ đầu năm đã chịu nhiều áp lực. Đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tỷ giá trên thị trường quốc tế liên tục tăng giảm bất thường dẫn đến việc lãi suất huy động tại các ngân hàng trong nước nhiều lần biến động tăng lên. 

Tuy nhiên, NHNN cũng nhiều lần kêu gọi các NHTM giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Và đến thời điểm hiện tại, thanh khoản các ngân hàng dần ổn định, đặc biệt vừa qua FED giảm lãi suất giúp giảm bớt áp lực lên tỉ giá và lãi suất tiền đồng. Vì thế, các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. 

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất lần này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên với các khoản vay ngắn hạn. Bởi đây cũng là định hướng của chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất cho vay khó giảm trên diện rộng - Ảnh 1.

Với sự hưởng ứng tích cực từ nhóm NHTM nhà nước, nhiều kỳ vọng khối NHTMCP tư nhân cũng sẽ có động lực tham gia giảm lãi suất cho vay lần này. Tuy nhiên, liệu việc giảm lãi suất lần này có khả năng diễn ra trên diện rộng hay không?

Ông Phạm Minh Tiến, Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán SBBS, cho biết nhìn vào thông tin hạ lãi suất cho vay từ khối NHTM nhà nước, thì lãi suất giảm chủ yếu ở những lĩnh vực ưu tiên. 

Bởi trong 2 năm qua, dư nợ cho vay của lĩnh vực này tăng rất ít, tổng dư nợ của lĩnh vực ưu tiên chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Vì vậy, việc hạ lãi suất cho vay lần này chủ yếu để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, cả 2 đợt giảm lãi suất hồi đầu năm và mới đây tập trung chủ yếu ở 4 ông lớn NHTM nhà nước chứ khó có khả năng lan toả trên diện rộng sang khối NHTMCP tư nhân, bởi lãi suất đầu vào tại các NHTMCP tư nhân vẫn neo ở mức cao. 

Vì thế nếu hạ lãi suất cho vay thì buộc các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng và cân đối chi phí, NIM mới có thể giảm lãi suất đầu ra.

Còn theo phân tích của ông Trương Hiền Phương – Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS TP.HCM, việc giảm lãi suất cho vay đối với khối NHTMCP tư nhân sẽ có sự dè dặt hơn và tùy vào hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng. 

Theo nhận định của ông Phương, cũng sẽ có vài ngân hàng có khả năng giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và từng khoản vay. Nếu như đó là những khoản vay tốt, khách hàng tốt, chưa có nợ xấu nhiều thì có khả năng sẽ được giảm lãi suất cho vay.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing TP.HCM, cũng nhận định việc giảm lãi suất cũng sẽ khó xảy ra trên diện rộng. Bởi lãi suất tiền đồng còn phụ thuộc vào cung cầu vốn của thị trường, chỉ những ngân hàng nào đang dư thừa nguồn vốn ngắn hạn mới có khả năng giảm lãi vay ngắn hạn. 

Trong khi khối NHTMCP tư nhân trước nay vẫn chủ yếu đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực tiêu dùng, vay vốn lưu động, còn với lĩnh vực ưu tiên thì chủ yếu tập trung ở khối NHTM nhà nước. Vì thế, áp lực lên các NHTMCP tư nhân để giảm lãi suất cho vay là không nhiều.

Quỳnh Anh