Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay?
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo chính sách tiền tệ tháng 7 (Nguồn: Reuters)
Fed sẵn sàng cắt giảm lãi suất để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế
Sau hơn một thập kỉ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm %.
Lần gần nhất Fed tiến hành giảm lãi suất là vào năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính đang lên đến đỉnh điểm. Khi đó, Ngân hàng Trung Ương (NHTW) này đã hạ lãi suất về mức mục tiêu 0 - 0,25% để hỗ trợ kinh tế Mỹ và họ đã duy trì phạm vi mục tiêu này trong suốt 7 năm sau đó.
Diễn biến giới hạn trên lãi suất quĩ liên bang (FFR) - Nguồn: Fed St.Louis
Trong tuyên bố vào cuối cuộc họp chính sách tháng 7, Fed đã để ngỏ khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới khi cam kết sẽ "hành động phù hợp" để duy trì đà tăng trưởng kinh tế dài nhất lịch sử của Mỹ.
Đồng thời, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục đánh giá những dữ liệu kinh tế tiếp theo trước khi đưa ra quyết định có cắt giảm lãi suất một lần nữa hay không.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại trong thời gian qua khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm từ 3,1% của quí I/2019 xuống 2,1% trong quí II/2019.
Theo các chuyên gia, quyết định giảm lãi suất của Fed có tính chất như một hành động mang tính đi trước, nhằm ngăn chặn những dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế trong tương lai thay vì chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh ngay lập tức trong hiện tại để chống đỡ lại đà suy giảm như hai đợt cắt giảm trong năm 2000 và 2008.
"Fed đang cân nhắc nhiều yếu tố. Thực sự, lạm phát thấp cho phép Fed có dư địa để thực hiện các bước đi nhằm ổn định nền kinh tế, tránh việc phải thực hiện những động thái đột ngột", ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư toàn cầu của UBS Wealth Management nhận dịnh.
Ông Trump đang mở đường cho các quyết định giảm lãi suất tiếp theo của Fed
Các động thái chính sách của Fed đã và đang chịu áp lực rất lớn từ Tổng thống Donald Trump bao gồm các lời chỉ trích, đe dọa và cả những quyết sách thương mại của người đứng đầu Nhà Trắng.
Vào tháng 10/2018, có lần Tổng thống Mỹ đã nói Fed "điên rồ" vì tăng lãi suất và dọa sa thải Chủ tich Fed Jerome Powell.
Trước ngày Fed tiến hành cuộc họp tháng 7, ông Trump lại tiếp tục công kích chính sách lãi suất của cơ quan này khi cáo buộc NHTW Mỹ không hành động đủ để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngay cả khi Fed đã hạ lãi suất, Tổng thống Mỹ vẫn chưa cảm thấy vừa lòng khi cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã "làm mọi người thất vọng" vì cắt giảm lãi suất không mạnh như kì vọng và do đó không đủ để hỗ trợ cho cuộc chiến thương mại và tiền tệ mà chính quyền của ông đang tham gia.
"Như thường lệ, Jerome Powell đã làm chúng ta phải thất vọng. Nhưng ít nhất thì ông ta cũng đã chấm dứt thắt chặt định lượng, một chính sách lẽ ra từ đầu đã không nên được đưa ra áp dụng vì không hề có lạm phát", ông Trump viết trên Twitter.
Và đến ngày 1/8, ông Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế suất 10% đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Đồng thời bày tỏ sự không hài lòng với tốc độ đàm phán thương mại giữa hai nước.
Theo các nhà phân tích, động thái áp thuế mới nhất của ông Trump có thể buộc Fed cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức mà họ cho là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước các rủi ro từ chính sách thương mại.
Trước đó, chính sách thương mại khó đoán định của ông Trump đã được NHTW Mỹ nhắc đến như một lí do chính trong lập luận dẫn tới quyết định hạ lãi suất vào hôm 31/7.
"Thông báo mới nhất của Tổng thống Trump làm gia tăng nguy cơ Fed sẽ cắt giảm hơn 75 điểm cơ bản trong năm nay", ông Brett Ryan, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Deutsche Bank viết trong một báo cáo gửi khách hàng.
Trong khi đó, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, kì vọng của các nhà đầu tư về khả năng Fed hạ lãi suất một lần nữa vào tháng 9 đã tăng lên 81,9% từ mức dưới 50% vào hôm 31/7.
Trên thị trường sản phẩm giao dịch kì hạn, tỉ lệ đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba vào cuối năm nay cũng đã tăng lên 68,9% từ mức 39% ghi nhận cuối ngày 31/7.
Mặt khác, ngay sau tuyên bố của ông Trump lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ đã giảm xuống 1,8750%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 và là lần đầu tiên giảm dưới mức 2% trong hơn 2 năm. Qua đó, kéo chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc 3 tháng và 10 năm tăng từ 1 điểm cơ bản ghi nhận vào ngày 31/7 lên mức 18 điểm cơ bản.
Sự đảo ngược đường của cong lợi suất thường được coi như một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái kinh tế đang diễn ra và chính sách của Fed có thể quá đang quá chặt chẽ. Điều này tạo thêm lí do cho các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của NHTW Mỹ trong tương lai.
Diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ trong vòng 5 năm qua (Nguồn: CNBC)