|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lãi suất cho vay bất động sản sẽ sớm hạ nhiệt?

08:20 | 15/03/2023
Chia sẻ
Bên cạnh việc "cứu" thị trường trái phiếu, việc giảm lãi suất cho vay được cho là rất cần thiết để thị trường bất động sản phục hồi và sớm có thanh khoản trở lại.

(Ảnh minh họa: H.L).

Kể từ hôm nay (15/3), các mức lãi suất điều hành chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

NHNN cho biết, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Thực tế, thời gian gần đây, ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi vay, kích cầu tín dụng. Từ ngày 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) đã giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các ngân hàng cổ phần khác giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, trong đó có cả doanh nghiệp bất động sản.

Từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng. Lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng. NHNN thực hiện tăng lãi suất điều hành hai đợt vào ngày 21/9 và 2/11, trái ngược với năm 2020 - 2021 khi có 3 đợt hạ lãi suất điều hành) cũng tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường trầm lắng, thanh khoản giảm mạnh. 

Tại các Hội nghị do NHNN và Chính phủ tổ chức vừa qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng kiến nghị nhà điều hành nới room, giảm lãi suất cho vay để phục hồi thị trường bất động sản. 

Mới đây, Nghị quyết số 33/NQ-CP được Chính phủ ban hành cũng nêu rõ, NHNN nước xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp,... 

Việc giảm lãi suất cho vay là khả thi

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở (chủ yếu là phân khúc giá trị cao), còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh bất động sản (cho vay chủ đầu tư). 

Theo nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, tín dụng cho bất động sản đã quá nhiều. Và đây là một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong thời gian vừa qua khi mà quy mô tín dụng cho lĩnh vực này tính đến cuối năm 2022 đã lên tới hơn 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế. Nghĩa là cứ 5 đồng vốn ngân hàng bỏ ra đã có 1 đồng vào bất động sản.

"Tín dụng bất động sản tăng tới 24%, tức là gần gấp đôi so với cấp độ chung tăng tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2022. Như chúng ta đã nói, gần 70% vốn cho bất động sản là từ tín dụng ngân hàng, do đó việc thêm vốn tín dụng là rất khó", vị này nói.

Chuyên gia cho biết thêm, lãi suất cho vay bất động sản trong mọi trường hợp rất khó thấp hơn so với lãi suất chung của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng chung năm 2023 sẽ rất khả thi, có thể thực hiện được đó là lãi suất nói chung đối với bất động sản sẽ giảm.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, hiện tất cả các doanh nghiệp đều muốn giảm lãi suất, trừ những người gửi tiền.

Chuyên gia chỉ ra 4 lý do khiến mặt bằng lãi suất của Việt Nam cao hơn so với quốc tế. Một là lạm phát của Việt Nam thông thường cao hơn (trừ năm 2022). Hai là rủi ro của nền kinh tế Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đi vay ngoại tệ hiện nay sẽ phải trả lãi suất 6 - 7%/năm, rất khó vay được với lãi suất thấp hơn.

Ba là chi phí giao dịch của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam rất cao, trong đó có cả chi phí chính thức và không chính thức. Và cuối cùng là lãi suất đầu vào cao, kéo theo lãi suất đầu ra cũng phải cao.

"Muốn kéo giảm lãi suất xuống 8 - 9%/năm cũng phải có lộ trình từ từ. Trong khi đó, NHNN vẫn luôn muốn người dân nhận lãi suất dương, tức mức lãi gửi ngân hàng luôn cao hơn mức kỳ vọng lạm phát tại Việt Nam. Ví dụ lạm phát ở mức 4,5 - 5% thì lãi suất tiền gửi cũng phải ở mức 6 - 7%/năm. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay có nhiều khả năng để giảm nhẹ lãi suất ", ông Lực nói.

Hà Lê