|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãi suất cao có thể gây họa cho trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu, cả những công ty 'an toàn' cũng khó thoát

21:41 | 09/07/2023
Chia sẻ
Trên khắp thế giới, thời gian đáo hạn của nhiều trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khá xa. Điều này khiến các nhà đầu tư ngoảnh mặt làm ngơ trước những rủi ro đang ẩn náu trên thị trường nợ.

Trái phiếu của nhà cung cấp nước lớn nhất tại Anh là Thames Water bị bán tháo do lo ngại rằng công ty này có thể bị quốc hữu hóa. (Ảnh: Bloomberg). 

Niềm tin vững chắc

Người Mỹ có một truyện vui nổi tiếng. Truyện kể rằng một người lạc quan đã nhảy xuống từ mái nhà và hét lên “Đến giờ tôi vẫn ổn!” khi nhìn thấy cửa sổ tầng một, nhưng cuối cùng anh ta phải gánh chịu thương tích nặng nề.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên khắp thế giới có thể cũng đang ảo tưởng giống như anh chàng, tờ Wall Street Journal (WSJ) cảnh báo.

Trong một thập kỷ qua, lãi suất đã được duy trì ở mức siêu thấp, thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường vay mượn. Song, nhiều công ty sẽ sớm nhận thấy rằng việc đảo nợ (refinance) sẽ rất đắt đỏ, có lẽ còn hơn cả dự kiến.

Và cũng giống như trường hợp của công ty cấp nước lớn nhất nước Anh là Thames Water, các lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi đà tăng của lãi suất chưa chắc là những ngành mà giới đầu tư và các công ty xếp hạng tín dụng coi là rủi ro.

Mặc cho các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ tin rằng lãi suất sẽ đi xuống. 

 

Các công ty xếp hạng tín dụng vẫn chưa hạ bậc đánh giá mà họ đã cấp cho nhiều trái phiếu doanh nghiệp. S&P Global cho biết, nhìn chung các lô trái phiếu được xếp vào “cấp đầu tư” đang được nâng hạng nhiều hơn là hạ. Trái phiếu “rác” hay “đầu cơ” đang bị hạ xếp hạng, nhưng với tần suất ít hơn trong năm 2019.

Nguyên nhân là bởi "mặt đất” vẫn còn rất xa. Dữ liệu từ S&P Capital IQ cho thấy hầu hết trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành hiện nay phải đến năm 2025 mới bắt đầu đáo hạn. Nhân lúc lãi suất thấp, các doanh nghiệp đã chớp lấy thời cơ để vay nợ dài hạn.

Ông David Newman, trưởng bộ phận trái phiếu trả lợi suất cao tại Allianz Global Investors, cho biết: “Các cơ quan xếp hạng thường chỉ thực sự phát hiện ra vấn đề một năm trước khi các khoản nợ đáo hạn”.

Cho tới nay, chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu hạng BB và B- với lãi suất phi rủi ro của trái phiếu chính phủ Mỹ đã nới rộng ra, nhưng chưa vượt quá các ngưỡng thường thấy trong lịch sử.

Còn hiện tượng bán tháo của các trái phiếu lợi suất cao chủ yếu chỉ xảy ra trong nhóm nợ hạng CCC hoặc thấp hơn, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay. 

Điều này cho thấy thị trường trái phiếu đang báo hiệu rằng nếu một cuộc suy thoái nhẹ xảy ra, tỷ lệ vỡ nợ trong nhóm các công ty rủi ro nhất sẽ tăng và có thể năng lực thanh toán của một số công ty bluechip cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do hầu hết các khoản nợ cấp đầu tư chỉ cách một bậc so với trái phiếu rác, nên đây là một kịch bản không mấy khả quan.

 

Bài học từ Thames Water 

Có lẽ thị trường vẫn chưa chấp nhận được sự thật là lãi suất sẽ ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn. Điều này được thể hiện qua sự bền bỉ đáng ngạc nhiên của trái phiếu rác hạng B-.

Theo dữ liệu của S&P Capital IQ, khoảng 56% nợ hạng B- được phát hành bởi các công ty tư nhân. Trong giai đoạn lãi suất siêu thấp, đặc biệt là năm 2021, nhiều quỹ đầu tư tư nhân (private equity – PE) đã phát hành trái phiếu B- để thâu tóm doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc họ đã ôm thêm nhiều nợ nần.

Dữ liệu của Dealogic cho thấy lượng trái phiếu rác được phát hành đã giảm đi, nhưng các khoản vay dùng đòn bẩy thì không. Khoản vay dùng đòn bẩy có lãi suất thả nổi và thường là công cụ được ưa chuộng trong các thương vụ thôn tính của các quỹ PE. Đây là dấu hiệu khác cho thấy các công ty đang chờ cho lãi suất giảm trở lại trước khi phát hành thêm nợ có lãi suất cố định.

Nếu các ngân hàng trung ương không chiều ý giảm lãi suất, thì đòn bẩy nợ sẽ đè nặng lên doanh nghiệp. Các công ty tư nhân có trái phiếu xếp hạng rác sẽ chịu tác động đặc biệt nặng nề.

So với doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp tư nhân thường dễ được tái cấp vốn hơn. Tuy nhiên, quy luật này cũng có ngoại lệ, được thể hiện qua cuộc khủng hoảng của nhà cung cấp nước lớn nhất tại Anh.

Thames Water – với khối nợ lên đến 14 tỷ bảng Anh (tương đươngg khoảng 18 tỷ USD) – vẫn chưa thuyết phục được các ông chủ là quỹ hưu trí và quỹ đầu tư quốc gia rót đủ vốn cho mình.

Thames Water đang ở trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc sau khi chi phí thanh toán cho các trái phiếu có lãi suất điều chỉnh theo lạm phát tăng vọt. Các quan chức Anh đang cân nhắc phương án quốc hữu hóa doanh nghiệp này.

Thames Water vẫn còn một số trái phiếu hạng đầu tư, nhưng giờ chúng đang trả lợi suất gần bằng với trái phiếu B-. Vụ việc của Thames Water cho thấy rủi ro mà nhiều người đang xem thường.

Mối nguy này bắt nguồn từ kỷ nguyên lãi suất thấp: ngay cả các công ty hoạt động trong những ngành tưởng chừng an toàn như cung cấp nước cũng có thể bị tổn thương.

Đối với nền kinh tế, sự thiếu minh bạch của các công ty tư nhân đồng nghĩa rằng khi ván cược của những doanh nghiệp này thất bại, tác động có thể vượt xa tưởng tượng.

Thị trường có lẽ cũng đã lờ mờ nhận ra vấn đề, nhưng các nhà đầu tư sẽ chỉ thực sự để ý đến nó khi làn sóng đảo nợ vào năm 2025 đến gần hơn.

Giang