|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lại đề xuất khống chế lãi vay khi tính thuế

16:09 | 21/08/2017
Chia sẻ
Một lần nữa, trong dự án một luật sửa năm luật thuế, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất phần chi trả lãi vay cho các khoản vay vốn vượt từ 4 đến 12 lần vốn chủ sở hữu, tùy vào lĩnh vực hoạt động sẽ không được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đề xuất này từng được đưa ra từ năm 2015 và bị phản ứng từ nhiều phía.
lai de xuat khong che lai vay khi tinh thue Khống chế chi phí lãi vay được trừ không quá 20%: Doanh nghiệp bị 'trói tay'
lai de xuat khong che lai vay khi tinh thue
Bộ Tài chính vẫn muốn khống chế lãi vay với doanh nghiệp vốn mỏng. Ảnh minh họa: Sản xuất tại một nhà máy ở Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Lần này, cũng giống như lần trước, Bộ Tài chính phân loại doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động để khống chế lãi vay.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu thì phần chi trả này sẽ không được tính vào chi phí được trừ.

Với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu.

Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.

Cũng như lần trước, Bộ Tài chính trong báo cáo thuyết trình về dự án luật cho rằng, cần bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay trong Luật Thuế TNDN có mục tiêu là đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp và của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.

Theo đó, Luật Thuế TNDN hiện hành không có quy định này khiến tình trạng vốn mỏng, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu ít rất phổ biến, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của chính họ.

Không những vậy, còn làm ảnh hưởng đến thu ngân sách do chi phí lãi vay cao đang là một “bùa hộ mệnh”, một lý do chính đáng để nhiều doanh nghiệp kê khai, báo lỗ, không đóng thuế nhưng lại không ngừng mở rộng.

Bộ này cũng tiếp tục viện dẫn các “thông lệ quốc tế”, khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Điểm khác của hai lần đề xuất này chỉ là thời điểm áp dụng. Ở lần đề xuất trước, thời điểm áp dụng được tính là ngay từ đầu năm 2016, các doanh nghiệp sản xuất đã bị khống chế ở tỷ lệ 5:1; lĩnh vực khác là 4:1. Và từ 1-2019 thì tỷ lệ khống sẽ giảm lần lượt còn 4:1 và 3:1. Riêng tổ chức tín dụng đã có pháp luật chuyên ngành quy định về tỷ lệ khống chế thì thực hiện theo quy định đó.

Ở đề xuất lần này, thời điểm áp dụng là 1-1-2019 và không điều chỉnh sau đó.

Còn nhớ, ở lần đề xuất trước, Bộ Tài chính nhận được ý kiến của rất nhiều phía, từ doanh nghiệp, công ty kiểm toán đến chuyên gia kinh tế. Cuối cùng, đề xuất này không được đưa ra Quốc hội thông qua.

Minh Tâm