Kỳ vọng kinh tế Việt Nam 2017 - Bài 2: Tạo đà tăng trưởng
Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, lành mạnh hóa chính sách tài chính – tiền tệ để tạo niềm tin chung cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tạo đà phát triển.
Đây là những kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2017.
Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm so với kỳ vọng. Ảnh: Danh Lam–TTXVN
Đánh giá về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng hiện còn chậm so với kỳ vọng. Vì vậy, trong năm 2017 và những năm tiếp Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý nợ xấu từ những năm trước để lại . Đồng thời, có giải pháp đối với tình trạng nợ công đã đạt trần, không thể tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước đây .
Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7 % -6,8%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, theo các chuyên gia, cần có phương án tốt trong việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước , dùng nguồn lực này, để kích thích đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn từ năm 2018 và những năm tiếp theo.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam, chia sẻ: Trong các nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, nông nghiệp, nông thôn là khu vực bị thiệt thòi nhưng ít được đề cập đến.
Điều đó có nghĩa chúng ta không chỉ hồ hởi hội nhập mà cần chuẩn bị "lưới" dự phòng trước những hệ lụy tiêu cực đối với nông thôn, nông nghiệp và an sinh xã hội. Hiện nay 60% dân số và hàng chục triệu người dân phụ thuộc vào các chính sách, do đó khi ký kết các FTA cần nghiên cứu các đối tượng sẽ chịu tác động tiêu cực từ những FTA này.
Về các giải pháp dài hơi hơn, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Việt Nam không gặp khó khăn trong huy động nguồn lực nhưng lại chưa sử dụng nguồn lực huy động được một cách hiện quả, phân bổ không hợp lý.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, trước những cơ hội và thách thức của năm 2017, doanh nghiệp nội địa phải thể hiện được sự quyết tâm trong cải thiện môi trường, quản trị và nâng cao chất lượng doanh nghiệp.
Riêng đối với ngành dệt may, sẽ tăng cường kết nối và hợp tác với các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp FDI, nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất.
Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng cần tính toán giải pháp cũng như có chiến lược liên kết trong hoạt động xuất khẩu; khai thác hiệu quả nhà cung ứng nội địa, làm nguyên liệu xuất khẩu.
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tực rèn luyện tính vươn lên và học hỏi kinh nghiệm để biết mình cần làm gì.
Tin tưởng nền kinh tế đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2017, ôngVăn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho rằng: Những chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ đã bắt đầu thấm vào bộ máy công quyền trong việc cải cách hành chính.
Những tiến bộ này đã hỗ trợ và giải phóng sức cho doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin mới, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp gần đây đã đóng góp sức trẻ, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
“Những khó khăn về kinh tế mà chúng ta gặp phải và sự tăng tốc vào cuối 2016 đã tạo nền tảng cho sự phát triển của năm 2017, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7% hoàn toàn có khả năng đạt được”, ông Văn Đức Mười nhận định.
Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Ashish Kanchan, Giám đốc Điều hành Kantar TNS Vietnam, cho biết: Dựa trên các dự án nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của Kantar TNS Vietnam, trong năm 2017 tại Việt Nam có nhiều ngành có triển vọng tăng trưởng tốt ở thị trường nội địa.
Việt Nam là quốc gia có dân số đông đứng thứ 13 thế giới, thứ 2 khu vực ASEAN, đồng thời dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, nhóm lao động có thu nhập ngày càng tăng nên cơ hội thị trường rất lớn. Trong đó, có thể kể đến các ngành như ô tô; nhà hàng, khách sạn, ẩm thực gia đình; y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; sản phẩm, dịch vụ dành cho trẻ em...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế để khắc phục các tồn tại, tạo niềm tin cho năm 2017, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp để doanh nghiệp trong nước phục hồi, giảm thiểu tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ (tốc độ khối doanh nghiệp FDI cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước).
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào các chủ trương tích cực như kiến tạo để các chương trình khởi nghiệp phát triển , đạt mục tiêu có hơn 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Cùng với đó, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tăng năng suất lao động... sẽ là cơ sở cơ bản để phát triển kinh tế trong nước.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/