Kỳ lân edtech giá trị nhất thế giới cắt giảm nhân sự quy mô lớn
Công ty khởi nghiệp giáo dục trực tuyến lớn nhất Ấn Độ Byju's sẽ cắt giảm việc làm và thay đổi chiến lược tiếp thị khi tìm cách thu lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, theo một thông báo được công ty đưa ra trong thời gian gần đây.
Theo Asia Nikkei, có khoảng 2.500 lao động đang làm việc trong các nhóm sản phẩm, nội dung và công nghệ sẽ mất việc làm trong quá trình tái cơ cấu khi Byju’s tìm cách hợp nhất các công ty như Toppr, Meritnation, TurtorVista, Scholar và HashLearn, những công ty mà Byju’s đã mua lại trong nhiều năm để củng cố các dịch vụ giáo dục của mình.
Các động thái tái cơ cấu của kỳ lân edtech Ấn Độ này diễn ra sau khi công ty báo cáo mức lỗ tăng gấp 20 lần cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021. Theo báo cáo tài chính năm 2021 được Byju’s công bố, công ty đã chứng kiến khoản lỗ đạt mức 45,6 tỷ rupee (573 triệu USD), cao hơn nhiều so với khoản lỗ 3,1 tỷ rupee một năm trước đó.
Theo Byju’s, lý do chính dẫn đến khoản lỗ lớn này là do chi phí hoạt động của công ty đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua. Doanh thu của Byju’s cũng giảm 3% xuống 24,3 tỷ rupee trong cùng kỳ. Sau khi các báo cáo cho rằng kết quả bị trì hoãn do sự khác biệt với kiểm toán viên, kỳ lân edtech Byju’s có trụ sở tại Bangalore đã hoãn việc ghi nhận gần 40% doanh thu theo lời khuyên của các kiểm toán viên.
“Rõ ràng Byju’s cần phải thực hiện các hành động khắc phục trên nhiều mặt, nhưng về việc ghi nhận doanh thu, không có gì lạ khi một doanh nhân và một kiểm toán viên có cách hiểu khác nhau về cách doanh thu nên được ghi nhận”, chuyên gia kinh tế K. Ganesh nói.
Công ty hiện sử dụng khoảng 50.000 nhân viên và vẫn là công ty khởi nghiệp được định giá cao nhất của Ấn Độ. Byju’s đã huy động được khoảng 6 tỷ USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm bao gồm Tiger Global Management, General Atlantic và Sequoia Capital, và được định giá ở mức 22 tỷ USD.
Chuyển hướng sang thị trường quốc tế
Kỳ lân edtech này cũng sẽ chuyển hướng chi tiêu tiếp thị sang các thị trường nước ngoài khi giờ đây công ty đã tạo ra được "nhận thức đáng kể về thương hiệu" ở quê nhà. Chi phí xúc tiến kinh doanh đã tăng hơn hai lần so với năm tài chính 2021 lên 22,5 tỷ rupee (273 triệu USD).
Mrinal Mohit, Giám đốc điều hành tại Byju's India, cho biết: “Là một tổ chức đã trưởng thành, coi trọng trách nhiệm của mình đối với các nhà đầu tư và các bên liên quan, chúng tôi mong muốn đảm bảo tăng trưởng bền vững cùng với tăng trưởng doanh thu trong thời gian tiếp theo. Những biện pháp này sẽ giúp chúng tôi đạt được lợi nhuận trong khung thời gian xác định là tới tháng 3/2023”.
Bằng nguồn vốn từ các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, Byju's đã mua ít nhất 10 công ty vào năm 2021, bao gồm khoản mua 950 triệu USD với công ty gia sư ngoại tuyến Aakash Educational Servic và nhà cung cấp khóa học chuyên nghiệp Great Learning với giá khoảng 600 triệu USD.
Byju's cũng đã chi khoảng 750 triệu USD kể từ năm 2019 để mua ba công ty giáo dục ở Mỹ, gồm nền tảng đọc kỹ thuật số Epic; một nền tảng mã hóa dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 Tynker và Osmo, một nhà sản xuất ứng dụng dành cho trẻ em.
Công ty cũng từng có thời gian đứng trước những khó khăn vì đã trì hoãn việc nộp báo cáo tài chính hàng năm khoảng 18 tháng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, khiến các chuyên gia nghi ngờ.
Là một phần của những thay đổi, Byju's đã bắt đầu ghi nhận doanh thu kiếm được từ việc bán các khóa học nhiều năm trong một khoảng thời gian, thay vì ghi nhận toàn bộ số tiền tại thời điểm bán hàng.
Byju's cũng cho biết công ty sẽ tăng cường sử dụng các nền tảng gọi video trực tuyến để tương tác với phụ huynh của các học sinh và sinh viên, với lý do cần phải "nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm chi phí hoạt động". Công ty đã thu hút sự chú ý bởi hình thức bán hàng của mình, bao gồm việc cử các giám đốc điều hành đến tận nhà khách hàng để chốt doanh số
Ông Mrinal Mohit khẳng định không có biện pháp nào ảnh hưởng đến doanh thu của Byju’s, đồng thời cho biết công ty sẽ thuê thêm 10.000 giáo viên. Hiện tại, Byju’s đang sở hữu đội ngũ giáo viên gồm 20.000 người.
Theo hãng phân tích dữ liệu CB Insights (Mỹ), tính đến tháng 6/2021, Byju's là công ty khởi nghiệp giá trị thứ 11 trên thế giới. Cùng thời điểm, công ty cũng được định giá là kỳ lân giá trị nhất Ấn Độ với mức định giá 16,5 tỷ USD, vượt qua mức 16 tỷ USD của công ty công nghệ tài chính Paytm.
Một số công ty khởi nghiệp hàng đầu của Ấn Độ gồm Oyo Rooms (chuỗi khách sạn) được định giá 9 tỷ USD, Ola Cabs (dịch vụ đặt xe) 6,3 tỷ USD, Zomato (dịch vụ giao đồ ăn) 5,4 tỷ USD, một dịch vụ giao đồ ăn khác là Swiggy được định giá 5 tỷ USD và công ty công nghệ tài chính Razorpay 3 tỷ USD.