Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hay kém theo cảm nhận của người dân?
Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, những người trả lời khảo sát trở nên ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 so với những năm trước.
Cụ thể, 20% số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế của đất nước là “kém”, trong khi những người cho rằng tình hình nói chung là “tốt” lại giảm xuống dưới 50%. Tương tự, tỷ lệ người cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình năm 2021 kém hơn trước tăng lên: 29% người được hỏi cho rằng kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn trước, tăng 11% so với kết quả khảo sát năm 2020.
Khi được hỏi về triển vọng tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người trả lời cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình sẽ xấu đi hoặc không thể đoán trước cũng cao hơn những năm trước.
Báo cáo cũng chỉ ra đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người dân ở diện rộng hơn vào năm 2021 so với năm 2020. Hình 2.8 cho thấy tỷ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm và/hoặc thu nhập tăng hơn 10% so với 2020, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và các tỉnh lân cận.
PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân .
Năm 2021, PAPI có số lượng phỏng vấn trực tiếp cao nhất từ trước tới nay, với 15.833 người trả lời từ khắp 63 tỉnh, thành phố.