|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WB: Việt Nam chỉ còn 5 triệu người nghèo, vùng Đông Bắc giảm nghèo tốt nhất

15:10 | 28/04/2022
Chia sẻ
Theo WB, số người nghèo của Việt Nam chỉ còn 5 triệu người vào năm 2020. Vùng đạt kết quả giảm nghèo tuyệt đối tốt nhất là Đông Bắc, nhờ các hoạt động công nghiệp phát triển.

10 triệu người thoát nghèo trong 10 năm qua

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo của Việt Nam năm 2022.  Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,2 USD/ngày tính theo Ngang giá Sức mua năm 2011), tỷ lệ nghèo của nước ta đã giảm đáng kể từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo chỉ còn 5 triệu người vào năm 2020.  

 

Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Một số nhóm có nhiều cơ hội vươn lên tầng lớp kinh tế cao hơn trong khi có tỷ lệ tụt lùi thấp hơn; đó là các nhóm thoát nông hoàn toàn hoặc có được việc làm trong khu vực chính thức trong khoảng thời gian hai năm.  

Báo cáo nhấn mạnh giai đoạn 2010 - 2020 là thập kỷ chứng kiến mức tăng trưởng cao, thành tựu lớn về giảm nghèo, các hộ gia đình có xu hướng chuyển dịch sang trình độ học vấn cao hơn và người dân chuyển sang công việc phi nông nghiệp nhiều hơn.

Mức lương cao hơn và việc tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp hơn đã cơ bản góp phần nâng cao mức sống, đem lại cơ hội kinh tế tốt hơn cho đông đảo dân số trẻ tham gia vào lực lượng lao động. Mặc dù vậy, tỷ lệ nghèo ở các hộ nông thôn, hộ dân tộc thiểu số và hộ thuần nông vẫn cao hơn đáng kể.

Những nhóm này đang phải đối mặt với thách thức dài hạn do vốn nhân lực thấp hơn, chất lượng dịch vụ công ở địa phương thấp hơn, khoảng cách tiếp cận tới các cơ hội kinh tế xa hơn, và cơ hội tiếp cận với tài chính và đào tạo cũng ít hơn. 

Đông Bắc là vùng giảm nghèo tốt nhất

Báo cáo cho hay, xu hướng về tình trạng nghèo cấp huyện trong một thập kỷ cho thấy các trung tâm kinh tế có nhiều tiến triển hơn so với các vùng sâu vùng xa.

Theo bản đồ tình trạng nghèo năm 2009, tình trạng nghèo tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi thuộc phía Bắc và miền Trung của đất nước. Trong thập kỷ vừa qua, công cuộc giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng nhưng tình trạng nghèo vẫn còn tồn tại ở các vùng bị tụt hậu lại như các khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Vùng đạt kết quả giảm nghèo tuyệt đối tốt nhất là Đông Bắc, nhờ các hoạt động công nghiệp phát triển.

Báo cáo cho biết thêm, đặc điểm dân tộc, địa bàn lâu nay vẫn có mối quan hệ bền vững với tỷ lệ nghèo. Địa bàn vùng núi, vùng sâu vùng xa tập trung nhiều người nghèo chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cũng là nhóm người có tỷ lệ làm nông cao hơn so với vùng có tỷ lệ người Kinh chiếm đa số. Hơn nữa, đây là những vùng nằm cách xa các trung tâm kinh tế, địa hình không thuận lợi nên nông nghiệp ở đó có năng suất kém hơn.  

Trong số những người vẫn còn nghèo vào năm 2020, các nhóm trên chiếm tỷ lệ rất cao: 79% người nghèo là người dân tộc thiểu số (chiếm 15% dân số), và 66% chỉ làm việc thuần nông (chiếm 16% dân số). Khu vực Tây Nguyên và khu vực Trung du & Miền núi phía Bắc lần lượt chiếm 6% và 13% dân số cả nước, nhưng lại là nơi sinh sống của 21% và 42% số người nghèo. 

 

Về thu nhập, báo cáo cho biết một số khu vực cho thấy thu nhập tăng với tốc độ thấp hơn, nhất là khu vực Tây Nguyên, là khu vực có việc làm từ lương theo hợp đồng chưa phổ biến bằng các nơi khác. Hơn nữa, đây là khu vực duy nhất có tình trạng tỷ lệ tham gia công việc có hưởng lương, tự sản xuất kinh doanh và làm nông nghiệp trong gia đình giảm trong giai đoạn từ 2010 đến 2020.

Ngược lại, khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về tỷ lệ hộ gia đình tham gia công việc hưởng lương. Những diễn biến về thu nhập đó cùng phù hợp với diễn biến gần đây về tỷ lệ nghèo theo khu vực trong năm 2020.

Khu vực Tây Nguyên có mức độ tiến bộ thấp nhất, dẫn đến bị tụt hạng, đến nay khu vực này còn nghèo hơn so với khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, dù mức chênh lệch nhỏ. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nghèo năm 2020 tăng so với năm 2018, do tình trạng hạn hán nghiêm trọng và việc gián đoạn trong ngành nông nghiệp.  

Minh Thu

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.