|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ với nền kinh tế không ai nói đến: Giáo viên mầm non đi bán hàng online, quản trị khách sạn chạy Grab

11:08 | 27/04/2022
Chia sẻ
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng việc thiếu hụt lao động lành nghề trong tất cả các lĩnh vực cũng là một thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tại tọa đàm hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 27/4, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính đề cập đến một số nguy cơ với nền kinh tế chưa được thảo luận nhiều.

Cụ thể Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng rất mạnh gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định việc Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero-COVID sẽ ảnh hưởng cực lớn đến lạm phát của Việt Nam.

"Rất nhiều hàng hóa nhập khẩu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam liên quan đến Trung Quốc và thế giới cũng vậy. Một số báo cáo mới đây còn nhận định tác động của việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID còn lớn hơn cả tác động xung đột Nga-Ukraine. Bởi Trung Quốc là công xưởng của thế giới, chiếm 12,6% tổng thương mại toàn cầu”, ông Cường nói.

Một rủi ro khác nữa cần đặc biệt lưu tâm là tổng cầu của Việt Nam đang phục hồi rất chậm. Ông Cường cho rằng với việc tổng cầu phục hồi chậm như vậy, khả năng đạt được tăng trưởng cao là rất khó và nhận định nếu không có biện pháp tăng tổng cầu thì nguy cơ tăng trưởng dưới 6-6,5% là hiện hữu.  

Ông Cường còn đề cập đến tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam giảm do dịch bệnh COVID-19. Ngoài lý do tổng cầu giảm, còn do TFP (năng suất lao động tổng hợp) giảm, xu hướng giảm này dẫn đến việc thay vì tăng trưởng tiềm năng trong những năm qua của Việt Nam ở mức 6,5-6,8% thì ước tính mới nhất tăng trưởng tiềm năng dưới 6%. Như vậy khả năng tăng trưởng tối đa giai đoạn tới của Việt Nam chỉ quanh mức 6%.

“Trong dịch bệnh, nhiều người phải chuyển nghề, giáo viên mầm non đi bán hàng online, quản trị du lịch khách sạn thành Grab. Khi dịch bệnh đỡ đi, kinh tế đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động lành nghề trong tất cả các lĩnh vực, năng suất lao động cũng giảm”, ông Cường nói và nhấn mạnh tất cả ngành nghề đều bị ảnh hưởng khi nền kinh tế trong quá trình hồi phục trở lại, cần có biện pháp cụ thể cải thiện vấn đề lao động.

Trước đó, cũng tại tọa đàm, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu VEPR, theo đó nhấn mạnh một số nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, nguy cơ bùng phát trở lại của COVID-19 với các biến chúng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Bên cạnh đó áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như Chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá sản xuất đối với khu vực công nghiệp là khá rõ.

Rủi ro tiếp theo đến từ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cạnh tranh quốc tế, cũng như sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng sự gia tăng về giá của các loại tài sản (vàng, bất động sản,…) cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự đi vào sản xuất.  

Anh Đào