|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những tỉnh, thành nào được người dân muốn di cư đến nhất?

16:28 | 10/05/2022
Chia sẻ
Báo cáo PAPI năm 2021 mới công bố đã chỉ ra các tỉnh, thành được người dân lựa chọn khi muốn di cư đến, dẫn đầu là 3 thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo PAPI 2021 mới công bố, 6 tỉnh, thành phố được nhiều người muốn chuyển tới nhất lần lượt là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ và Bình Dương. Các tỉnh ít được ưa chuộng nhất là Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Thuận và Bạc Liêu.

 

 (Nguồn: Báo cáo PAPI 2021).

Cùng với các tỉnh được người dân quan tâm nhiều nhất khi lựa chọn di cư, báo cáo cũng nêu ra các tỉnh có tỷ lệ người dân muốn di cư ra khỏi địa phương nhiều nhất. Như trường hợp tỉnh Đắk Nông, khảo sát đã cho thấy có tới 9% số người được hỏi cho biết họ muốn chuyển đi nơi khác. 

 (Nguồn: Báo cáo PAPI 2021).

Tuy nhiên, ngay tại tỉnh Tây Nguyên này, tỷ lệ người di cư tiềm năng đã giảm đi một nửa so với tỷ lệ ghi nhận từ khảo sát năm 2020. Điều này đã dẫn đến một câu hỏi mở là điều gì khiến người dân Đắk Nông muốn rời khỏi tỉnh thành này.

Báo cáo cũng chỉ ra các nguyên nhân khiến người dân muốn di cư, theo đó, ba lý do chính khiến người dân chọn di cư là đoàn tụ gia đình (nhất là đối với những người muốn chuyển tới Hà Nội và TP HCM), có việc làm tốt hơn (nhất là những người muốn chuyển tới TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng) và môi trường tự nhiên tốt hơn (đối với những người muốn chuyển tới Đà Nẵng và Lâm Đồng).

 Các lý do di cư chính và tỉnh, thành phố được ưa chuộng nhất theo lý do di cư. (Nguồn: Báo cáo PAPI 2021).

Tương tự với kết quả khảo sát năm 2020, báo cáo chỉ ra yếu tố có gia đình ở tỉnh, thành khác thúc đẩy mạnh nhất nhu cầu di cư, trong đó động cơ đoàn tụ gia đình lớn hơn các động cơ khác. Ngoài ra, nam giới và người trẻ tuổi có xu hướng muốn di cư nhiều hơn nữ giới và người cao tuổi, đặc biệt là vì lý do có việc làm tốt hơn. Đáng ngạc nhiên là trải nghiệm với thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan hầu như không ảnh hưởng tới nhu cầu di cư.

Theo nội dung báo cáo, việc làm là một trong những lý do thúc đẩy người dân di cư. Điều này đã tạo ra một loạt câu hỏi quan trọng về cách họ biết được những cơ hội việc làm và mức độ sẵn sàng nâng cao nhận thức của bản thân về các yếu tố có thể cải thiện tình hình kinh tế và làm cho rủi ro của họ trở nên đáng giá.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác thực hiện đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.  

Báo cáo PAPI 2021 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 15.833 người dân được chọn ngẫu nhiên từ nhóm dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.791 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có tỉ suất nhập cư ròng dương trên toàn quốc. 

Minh Thu