Loạt địa phương thăng hạng ấn tượng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có tỉnh tăng đến 34 bậc
Theo báo cáo mới nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam thực hiện, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước về điểm số PCI đạt 73,02 điểm, ghi dấu ấn 5 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số này.
Cùng với Quảng Ninh, các địa phương sau đây cũng gây ấn tượng với sự tăng cả về điểm số lẫn thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Theo đó, các tỉnh Hải Dương, Bình Định, Vĩnh Phúc có sự thay đổi ngoạn mục nhất về thứ hạng PCI so với năm trước.
Cụ thể, Bình Định có mức tăng 26 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 37 (với 63,18 điểm) năm 2020 lên vị trí thứ 11 (với 68,32 điểm), nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt, xếp thứ 3 trong các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung (Sau Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế). Trong số các chỉ tiêu đánh giá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm được ghi nhận là chỉ số thành phần có điểm đánh giá tăng cao nhất trong so với năm 2020, từ 5,54 điểm (2020) lên 7,13 điểm (2021).
Trong năm 2021, Bình Định đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư như cắt giảm thủ tục, giảm thời gian cấp phép, triển khai loạt dự án hạ tầng giao thông,... Cụ thể, Bình Định hiện đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư, cắt giảm thời gian cấp phép đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày. UBND tỉnh Bình Định cũng ban hành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh với gần 1.200 thủ tục, đạt 75% trên tổng số thủ tục hành chính.
Đón đầu làn sóng đầu tư trong năm nay, tỉnh Bình Định tập trung thu hút vào 5 lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistic, kinh tế đô thị. Công tác xúc tiến đầu tư được duy trì bằng 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, đồng thời chú trọng đến các nhà đầu tư lớn làm đòn bẩy thu hút đầu tư.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, 3 tháng đầu năm nay, Bình Định thu hút được 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.500 tỷ đồng. Trao đổi với VOV, Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, năm nay, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, cắt giảm bớt thủ tục hành chính để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, vừa xúc tiến vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh, trực tiếp giải quyết các vướng mắc phát sinh để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn.
“Việc xúc tiến đầu tư trực tuyến rất thiết thực trong điều kiện dịch bệnh. Trong năm 2022 Sở KH&ĐT sẽ linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh để tổ chức một số hoạt động trực tiếp, mời gọi các đoàn, nhà đầu tư đến với tỉnh. Sở cũng sẽ tổ chức các đoàn đi nước ngoài, đến với các đối tác lớn trong nước và khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, châu Âu”, ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định cho biết.
Ngoài Bình Định, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh có cải thiện đáng kể trong bảng xếp hạng PCI, với mức tăng 24 bậc từ thứ 29 cả nước năm 2020 lên thứ 5 năm 2021. Qua số liệu PCI 5 năm gần đây nhất, có thể thấy Vĩnh Phúc đã có bước lội ngược dòng ấn tượng. Cụ thể từ năm 2017 đến năm 2020, Vĩnh Phúc liên tục tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI, đến năm 2021 bất ngờ vươn lên vị trí thứ 5 cả nước, lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây nằm trong nhóm tốt.
Đáng chú ý hơn cả là Hải Dương với mức tăng ấn tượng nhất. Hải Dương đã vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng, tăng 34 bậc (năm 2020, Hải Dương đứng thứ 47 trong cả nước); đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, Hải Dương đã thăng hạng từ vị trí giữa của nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình, lên đứng đầu nhóm 20 địa phương có chất lượng điều hành khá; chỉ cách địa phương đứng thứ 10 (nhóm có chất lượng điều hành tốt) là 0,95 điểm. Đây là năm Hải Dương có thứ hạng cao nhất trong 17 năm qua của PCI. Hải Dương cũng là 1 trong 10 địa phương được đánh giá có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt trên cả nước.
Để đạt được bước nhảy vọt về thứ hạng này, Hải Dương đã có sự cải thiện điểm số mạnh ở nhiều chỉ số thành phần, từ đó giúp tổng điểm tăng 5,13 điểm so với năm 2020 và tăng 7,29 điểm so với năm 2017.
Hiện Hải Dương có gần 500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 9,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư của 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng Hàn Quốc có 133 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD trong các lĩnh vực điện, điện tử, logistics, may mặc, công nghiệp phụ trợ…
Cùng với đó, Hải Dương là một trong những địa phương thu hút FDI sớm nhất trong cả nước và đến nay đã có gần 30 năm kinh nghiệm thu hút FDI. Để trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, Hải Dương đang nỗ lực đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư; công khai và minh bạch các thông tin như hạ tầng, thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính trên cơ sở công nghệ số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương trong giai đoạn bình thường mới.