Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng vững bất chấp áp lực suy giảm
Cảng hàng hóa Khâm Châu, Khu tự trị Choang Quảng Tây của Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), bất chấp các áp lực suy giảm ngày càng lớn ở cả trong nước và nước ngoài, kinh tế Trung Quốc vẫn ghi nhận đà tăng trưởng vững trong nửa đầu năm 2019, qua đó cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng phát triển ổn định lâu dài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Với những bất ổn ngày càng gia tăng trên các thị trường toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng Tư vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,3% năm 2019, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ tiếp tục làm suy yếu niềm tin thị trường và môi trường đầu tư, đồng thời tác động xấu đến triển vọng tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, bối cảnh phức tạp và khó khăn như vậy chỉ làm tăng quyết tâm của Trung Quốc tiếp tục theo đuổi con đường cải cách và mở cửa, nhân tố then chốt vốn đã tiếp sức cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua.
Ở trong nước, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các cải cách cơ cấu và chuyển đổi thị trường để nền kinh tế ngày càng tối ưu hơn và cân bằng hơn.
NBS cho hay trong 6 tháng đầu năm nay kinh tế Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tăng trưởng giảm nhẹ nhưng vẫn nằm trong mục tiêu hàng năm 6-6,5% của Chính phủ Trung Quốc.
Số liệu của NBS cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng ngành chế tạo công nghệ cao của Trung Quốc đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3 điểm phần trăm so với mức tăng của toàn ngành công nghiệp nói chung.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Sáu vừa qua đầu tư nước ngoài thực tế ở nước này đã tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước lên 478,33 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70 tỷ USD) và đã có hơn 20.000 doanh nghiệp có vốn nước ngoài mới được thành lập, thể hiện sức hấp dẫn lớn của kinh tế nước này.
Bắc Kinh cũng cam kết tiếp tục mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác trên thế giới, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì chủ nghĩa đa phương và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc.