|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong ba thập kỷ

07:04 | 16/07/2019
Chia sẻ
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ, có vẻ là hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến thương mại với Mỹ đã kéo dài cả năm qua.
avatar_1563235301516

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong ảnh: Một tàu chở dầu thô tại cảng Châu Sơn Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang Ảnh: Reuters/Stringer

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 6,2% tại thời điểm cuối quý 2/2019, mức thấp nhất kể từ năm 1992 và thấp hơn mức 6,4% của quý một, theo số liệu chính phủ công bố hôm qua.

Và nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối diện với sức ép đi xuống trong nửa cuối của năm 2019, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc nhận định trong một văn bản.

“Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong tình thế phức tạp và căng thẳng”, văn bản viết. “Tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại và các yếu tố bất ổn bên ngoài đang tăng lên”.

Trong khi Bắc Kinh và Washington gần đây đã đồng ý tạm “đình chiến”, các nhà phân tích nói rất nhiều câu hỏi vẫn đang lơ lửng về khả năng đôi bên tiến đến một thỏa thuận thương mại.

“Bất ổn phát sinh từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung là một yếu tố quan trọng và chúng tôi cho rằng điều này còn tiếp diễn”, Tom Rafferty, chuyên gia kinh tế của công ty tư vấn Economist Intelligence Unit, nói.

“Giới doanh gia sẽ vẫn tiếp tục hoài nghi về chuyện hai nước có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với phạm vi rộng lớn hơn và nhận thấy rằng các căng thẳng thương mại có thể tiếp tục leo thang”, ông nói thêm.

Các nhà phân tích đang trông đợi Trung Quốc công bố thêm một số biện pháp để kích thích nền kinh tế, bao gồm khả năng ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã có những tín hiệu cho thấy họ có thể cắt giảm lãi suất.

“Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (ngân hàng trung ương Trung Quốc-PV) đã ban hành một số biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay, thị trường vẫn trông đợi các biện pháp bổ sung, có thể được áp dụng nếu các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường kỳ cựu của hãng tư vấn Oanda có trụ sở tại Mỹ, nói với CNN. 

“Nếu các cuộc đàm phán tiến triển thuận lợi, chúng ta vẫn có thể thấy ngân hàng (trung ương) ban hành các biện pháp kích thích mới tiếp sau động thái được dự đoán trước của Fed cuối tháng này là cắt giảm lãi suất”.

Giá dầu giảm theo kinh tế Trung Quốc

Hôm qua, giá dầu thế giới đã giảm sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng ba thập kỷ qua, củng cố thêm những lo ngại về nhu cầu từ nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Theo tường thuật của Reuters, giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 15 xu (0,2%), xuống còn 66,57USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ giao tháng 8 giảm 24 xu (0,4%) còn 59,97 USD/thùng. Mới tuần trước, giá dầu còn tăng trong ba tuần liền vì Mỹ cắt giảm sản lượng và những tác động liên quan đến các căng thẳng ngoại giao ở Trung Đông.

Bão gió tại vịnh Mexico đã khiến các giàn khoan dầu của Mỹ phải cắt giảm sản lượng tới 73%, tương đương 1,38 triệu thùng/ngày.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong khi nhu cầu suy giảm, hậu quả của chiến tranh thương mại đã có tác động kéo giữ giá dầu.  Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, doanh thu bán lẻ vẫn giữ ở mức cao, “cho thấy nền kinh tế này khỏe mạnh hơn nhiều người nghĩ”, chuyên gia kinh tế Michael McCathy ở Sydney nhận định.

Mức nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 13,07 triệu thùng/ngày hồi tháng 6, tăng 7,7% so với một năm trước đó, sau khi hai nhà máy lọc dầu mới được đưa vào hoạt động, số liệu chính thức cho biết hôm qua.

Các nhà phân tích của ANZ nói mức nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn ở mức rất ấn tượng cho dù sụt giảm liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6.

Tổng đàn lợn của Trung Quốc đã giảm tới 25,8% trong tháng 6 nếu so với cùng kỳ năm trước, trong khi đàn lợn sinh sản giảm 26,7%. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này nói hôm qua, theo Reuters.

Việc sụt giảm số lượng lớn bắt nguồn từ nạn dịch tả lợn châu Phi (ASF) tràn qua nhiều tỉnh thành của quốc gia sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới trong suốt một năm qua. Nhưng một số nhà điều hành ngành chăn nuôi ước tính rằng một nửa số lợn sinh sản của Trung Quốc hoặc chết vì bệnh ASF hoặc bị tiêu hủy hoặc giết thịt do hậu quả của việc lan tràn dịch bệnh. Con số này cao hơn nhiều so với thống kê chính thức.


Anh Minh