|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau tàu sân bay, Trung Quốc lại muốn mua công ty động cơ máy bay của Ukraine

06:57 | 16/07/2019
Chia sẻ
Một công ty công nghiệp hàng không có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc được nói là đã tiếp tục đề nghị mua cổ phần của một nhà sản xuất động cơ Ukraine và đơn đề nghi đang được cơ quan chống độc quyền của Ukraine xem xét.
avatar_1563234734216

An-225, máy bay vận tải lớn nhất thế giới sử dụng động cơ của Moto Sich

Trang web của quân đội Trung Quốc trích ý kiến của một số chuyên gia trong nước cho rằng, công ty Ukraine, vốn là nhà sản xuất động cơ cho chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới An 225, có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất động cơ máy bay nếu thỏa thuận được thông qua.

Công ty Skyrizon, còn được biết đến với tên gọi Công ty đầu tư công nghiệp hàng không Thiên Kiêu Bắc Kinh, đang trông đợi đánh giá và quyết định của Ủy ban chống độc quyền Ukraine về thương vụ nói trên.

Kết quả sẽ được công bố sau ngày 22/7, theo một biên bản về việc tái cơ cấu giữa công ty Skyrizon và tập đoàn công nghệ Tân Uy Bắc Kinh, được đưa lên trang web của trung tâm giao dịch chứng khoán Thượng Hải hôm thứ Sáu tuần trước. Skyrizon và Tân Uy Bắc Kinh có chung đại diện pháp luật, theo trang web tianyancha.com, nhà cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh.

Sau tàu sân bay, Trung Quốc lại muốn mua công ty động cơ máy bay của Ukraine - Ảnh 2.

Công ty Moto Sich ra đời từ năm 1907

Đơn đề nghị mua bán mới đã được chuyển tới cơ quan có trách nhiệm của Ukraine vào ngày 7/6 và được chấp thuận (nhận đơn) vào ngày 21/6. Nếu thương vụ thành công, Skyrizon sẽ sở hữu hơn 50% của công ty sản xuất động cơ máy bay Motor Sich của Ukraine. 

Hiện nay Trung Quốc đang vận hành 13 loại động cơ, với tổng số hơn 1.200 động cơ máy bay do Moto Sich sản xuất, theo biên bản về việc tái cơ cấu giữa công ty Skyrizon và tập đoàn công nghệ Tân Uy Bắc Kinh.

Nhưng Mỹ rõ ràng là “không vui” khi Motor Sich làm ăn với Trung Quốc, nói rằng có thể có nguy hại về an ninh quốc gia (đối với Mỹ) từ một số “giao dịch quốc tế”, tờ Washington Post tường thuật hồi tháng 5.

Công ty Moto Sich, từ lâu đã có nguồn khách hàng chủ yếu đến từ Nga, mất thị phần truyền thống khi quan hệ giữa hai nước đổ vỡ, theo bản tin của tờ báo Mỹ.

Được thành lập năm 1907, Motor Sich là một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay lớn nhất thế giới. Công ty này sản xuất các loại động cơ bao gồm turbine cánh quạt, turbine khí và động cơ cánh quạt.

Trung Quốc vẫn đi sau về công nghệ sản xuất động cơ máy bay, bao gồm cả động cơ cho máy bay dân dụng và máy bay chiến đấu, một chuyên gia quân sự ẩn danh nói với tờ Hoàn cầu thời báo. 

Vì thế, nước này có thể rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất động cơ máy bay, thúc đẩy nguồn cung động cơ cho thị trường trong nước nếu thương vụ mua Moto Sich thành công, biên bản ghi nhớ của Skyrizon và tập đoàn công nghệ Tân Uy Bắc Kinh nhận định. 

Vị này cũng nói trong khi ấy, Trung Quốc cũng đang nỗ lực tự phát triển ngành động cơ máy bay trong nước.

Hiện nay trong không quân Trung Quốc, ngoài các động cơ nhập từ Nga, một số máy bay đang sử dụng động cơ phát triển trong nước.

Ví dụ hồi tháng 12/2018, một máy bay tiêm kích J-10B được mang ra bay trình diễn tại hội chợ hàng không Chu Hải, Quảng Đông có trang bị động cơ lực đẩy vector do Trung Quốc tự chế tạo. Tuy vậy, động cơ tự sản xuất của Trung Quốc vẫn bị xem là kém ổn định, độ bền thấp.

Như vậy, sau khi mua tàu sân bay cũ từ Ukraine để tân trang, học hỏi kỹ thuật, nay Trung Quốc tiếp tục nhòm ngó ngành công nghiệp hàng không Ukraine vốn thừa hưởng những thành tựu của Liên Xô.


Anh Minh