|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng cải thiện trong tháng 9

10:39 | 05/10/2016
Chia sẻ
Giới phân tích dự báo số liệu về nền kinh tế lớn nhì thế giới có sự cải thiện trong quý III, do Chính phủ tích cực chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, và nhu cầu nhà ở tăng kéo theo nhu cầu hàng hóa.
kinh te trung quoc duoc ky vong cai thien trong thang 9
Cờ Trung Quốc tại một tòa nhà ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Dù vậy, xuất khẩu được dự báo còn yếu, trong khi đầu tư vào tài sản cố định có khả năng vẫn gần đáy 17 năm. Việc này sẽ khiến kinh tế Trung Quốc còn mất cân bằng và vẫn dựa nhiều vào chi tiêu công cũng như sự hồi phục của ngành công nghiệp nặng.

“Hoạt động sản xuất mạnh hơn sẽ kéo theo tăng trưởng. Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo GDP nửa cuối năm nay từ 6,5% lên 6,8%. Và cả năm lên 6,7% từ 6,6%”, Tim Condon – nhà kinh tế học khu vực châu Á tại ING cho biết.

Tăng trưởng được cải thiện sẽ càng củng cố quan điểm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) rằng họ không cần vội tăng lãi suất năm nay. Thậm chí, họ có thể duy trì mức lãi hiện tại trong suốt năm tới.

Nhu cầu thép của Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục mạnh lên, do đầu tư vào nhà đất và cơ sở hạ tầng cải thiện, các nhà phân tích tại ANZ cho biết.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản lại đang cho thấy có dấu hiệu phát triển quá nóng. Ngày càng nhiều thành phố phải áp đặt hạn chế mua nhà khi giá tăng.

Thứ Sáu tuần này, Trung Quốc sẽ công bố số liệu dự trữ ngoại hối. Đến ngày 13/10 là số liệu thương mại và 14/10 là lạm phát. Báo cáo về sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ sẽ đều xuất hiện ngày 19/10, cùng tăng trưởng GDP quý II. Các số liệu về tiền tệ và tín dụng được công bố từ ngày 10 – 15/10.

Trong khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự báo dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống 3.180 tỷ USD, sau khi chạm đáy 5 năm hồi tháng 8 vì PBOC can thiệp kéo giá NDT lên. Xuất khẩu tháng 9 có thể giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn một chút so với tháng 8 trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu vẫn ảm đạm.

Nhập khẩu có thể tăng 1%, sau khi bất ngờ tăng 1,5% tháng 8 – lần đầu tiên trong gần 2 năm. Nguyên nhân là nhu cầu than đá và các hàng hóa khác lên cao. Thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng được dự báo lên 53 tỷ USD trong tháng 9.

Bất chấp các lo ngại về khối nợ tăng cao, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn rất hào phóng cung cấp tín dụng. Các khoản vay mới bằng NDT trong tháng 9 có thể đã lên 1.000 tỷ NDT (gần 150 tỷ USD).

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo phần lớn sức tăng này là do nhu cầu vay mua nhà. Việc này có thể làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nếu giá bất động sản lao dốc.

Cung tiền M2 được dự báo tăng 11,6% trong tháng 9. Những tháng gần đây, số liệu cung tiền đều cho thấy các công ty Trung Quốc đang tích trữ tiền mặt hơn là đầu tư. Việc này cho thấy hoạt động nới lỏng của PBOC không hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế như trong quá khứ.

Đầu tư vào tài sản cố định 9 tháng đầu năm được dự báo tăng 8,2% - vẫn duy trì quanh mức thấp nhất từ tháng 12/1999. Chi tiêu công vẫn lớn, trong khi đầu tư tư nhân ngày càng yếu đi. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp có thể là 6,4% trong tháng 9 so với tháng trước đó. Còn doanh số bán lẻ có khả năng duy trì ổn định quanh 10,6%.

Thu Thảo