|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Mỹ - Trung chuyển động ngược chiều, tạo đà cho đồng USD bật tăng trở lại

11:51 | 11/09/2023
Chia sẻ
Trong khi triển vọng của nền kinh tế Mỹ sáng lên thấy rõ, hai nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu lại đang bị mây mù che phủ.

Đồng USD vừa tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng. (Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Đồng USD đang tận hưởng chuỗi tăng giá dài nhất trong gần 9 năm qua. Tính đến phiên 8/9, đồng bạc xanh vẫn đi lên và sắp sửa có tuần tăng giá thứ 8 liên tiếp so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác. Kể từ giữa tháng 7 đến nay, USD đã nhích lên khoảng 5%.

Trong vài tháng trước đó, USD đã trải qua biến động mạnh do nhà đầu tư lo ngại rằng đồng bạc xanh có thể sẽ đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới.

Những đồn đoán về nguy cơ phi đôla hóa trong thương mại toàn cầu tiếp tục xuất hiện vào tháng trước khi sau các quốc gia BRICS mời một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn vào khối, ví dụ như Arab Saudi và UAE.

Ông James Athey, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Abrdn, nói với tờ CNN: “Những tin đồn về sự sụp đổ của đồng USD tiếp tục bị phóng đại quá mức”.

 

Chỉ số US Dollar đang ở mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Trong những tuần gần đây, một loạt tin tức tích cực về nền kinh tế Mỹ đã củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong khoảng thời gian lâu hơn. Lãi suất tại Mỹ tăng cao thường giúp nâng giá trị đồng USD.

Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc và châu Âu lại đang bị mây mù che phủ. Ông Athey chỉ ra: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội, trong khi đó tình hình ở Trung Quốc và châu Âu có vẻ đang xấu đi đáng kể". 

Sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn dao động quanh mức thấp nhất trong 50 năm. Nhu cầu tuyển dụng đã liên tục tăng trong 32 tháng liên tiếp tính đến tháng 8 vừa qua. Tiền lương sau khi điều chỉnh cho lạm phát cũng trên đà đi lên.

Nhiều nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ cho phù hợp với loạt tin tốt gần đây. Kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm” - tức là Fed kiểm soát thành công lạm phát mà không gây ra suy thoái - ngày càng có vẻ sẽ thành hiện thực.

Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại ngân hàng ING, nói với CNN: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục khiến chúng ta bất ngờ theo chiều hướng tốt. Có vẻ nền kinh tế số một thế giới bền bỉ hơn những gì chúng ta tưởng”.

Điều này sẽ tiếp cho người tiêu dùng Mỹ sự tự tin để tiếp tục mua sắm và khiến Fed càng có động lực để giữ lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 22 năm nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Ông Brzeski nhận xét rằng giờ đây Fed “không còn có nhiều lý do để giảm mạnh lãi suất vào năm tới”. Trong khi đó, tình hình kinh tế kém khả quan của châu Âu khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu “có rất ít dư địa để tiếp tục tăng lãi suất chính sách”.

Ông Russ Mould, Giám đốc đầu tư của AJ Bell, cho biết chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu, cùng với khả năng tình trạng này sẽ tiếp tục duy trì thay vì thu hẹp là yếu tố quan trọng giúp USD trỗi dậy.

Kinh tế Trung Quốc và châu Âu suy yếu

Trung Quốc và châu Âu đang ở trong tình thế kinh tế khó khăn. Kể từ giữa tháng 7, euro đã giảm 4,4%, xuống còn 1 euro đổi 1,07 USD. Trong khoảng thời gian đó, nhân dân tệ sụt 2,6%, rơi xuống mức tỷ giá thấp nhất so với USD trong vòng 16 năm qua. 

Ông Athanasios Vamvakidis, Giám đốc chiến lược ngoại hối nhóm G10 của Bank of America Global Research, nhận định Mỹ có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”, nhưng khu vực đồng euro “có vẻ đang hướng gần hơn tới lạm phát đình trệ” - sự kết hợp khủng khiếp giữa lạm phát cao và tăng trưởng cực kỳ thấp hoặc bằng 0.

Tuần trước, cơ quan thống kê của châu Âu đã hạ ước tính tăng trưởng GDP quý II của 20 quốc gia dùng chung đồng euro từ 0,3% xuống 0,1%. Sản lượng công nghiệp của Đức tiếp tục sụt giảm trong tháng 7, làm tăng thêm nỗi lo cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đồng euro yếu đi nhiều khả năng sẽ kéo chi phí nhập khẩu đi lên và kích thích lạm phát. Lạm phát còn chịu thêm áp lực từ sự gia tăng của giá dầu thô sau quyết định gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng của Nga và Arab Saudi.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với không ít thách thức: giá tiêu dùng sụt giảm, khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng và hoạt động xuất khẩu sa sút.

Ngân hàng trương ương Trung Quốc đã giảm lãi suất nhằm nỗ lực thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Ông Alex Cohen, chuyên gia ngoại hối cao cấp tại Bank of America Global Research, đánh giá: “Nền kinh tế Trung Quốc sa sút không chỉ đè nặng lên nhân dân tệ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng tiền chủ chốt khác trong khu vực và những đối tác thương mại lớn của nước này, bao gồm cả đồng euro”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.