|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế chưa suy thoái nhưng người tiêu dùng Mỹ lại quá bi quan

10:54 | 11/06/2022
Chia sẻ
Từ tỷ phú xe điện Elon Musk đến CEO Jamie Dimon của JPMorgan, nhiều người đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nền kinh tế Mỹ. Song, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thực sự tồi tệ không, hay chỉ do mọi người cảm thấy như vậy?

Gần đây, Elon Musk có nói với các giám đốc cấp cao của Tesla rằng ông có “dự cảm chẳng lành” về nền kinh tế Mỹ, vì vậy vị tỷ phú muốn tạm ngừng tuyển dụng và cắt giảm lực lượng lao động của công ty.

Đó có lẽ không phải là cách tốt nhất để điều hành một doanh nghiệp, nhưng lo lắng của Elon Musk thể hiện tâm trạng chung của nhiều người dân về nền kinh tế Mỹ bây giờ hoặc trong tương lai gần.

Rủi ro lớn nhất bây giờ là lạm phát - vốn đang ở mức đỉnh 40 năm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chế ngự lạm phát và bước đi này có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Bên cạnh đó, các vụ xả súng hàng loạt và bê bối chính trị trong nước, cũng như tình hình chiến sự căng thẳng tại Ukraine càng khiến công chúng Mỹ thấy bất an về mọi thứ, bao gồm nền kinh tế.

Ông Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, bình luận: “Lạm phát cùng các vấn đề khác tạo thành một thức uống độc hại và gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý tập thể vào thời điểm này”.

Ai vui nổi khi lạm phát tăng chóng mặt

Lạm phát ở Mỹ đang ở mức mà nước này chưa từng thấy trong hơn 40 năm và mọi người nói thẳng ra là rất ghét lạm phát, Vox đưa tin. Khảo sát của Pew chỉ ra rằng khoảng 70% người dân Mỹ tin lạm phát là một cú sốc rất tồi tệ, không vấn đề nào đáng ngại bằng.

Một cuộc thăm dò khác của FiveThirtyEight và Ipsos cho thấy, hơn một nửa công chúng Mỹ nói lạm phát là vấn đề nghiêm trọng nhất mà đất nước đang phải đối mặt, trước các vấn đề khác như chủ nghĩa cực đoan chính trị, bạo lực súng đạn và biến đổi khí hậu.

 

Lạm phát có thể gây đau đớn thực sự cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các mặt hàng như thực phẩm và xăng dầu mà họ không thể không mua. Nhiều người đã được tăng lương trong năm qua, nhưng số lần và mức độ vẫn thua xa lạm phát.

Chia sẻ với Vox, ông Nick Bunker, chuyên gia kinh tế tại Indeed, nhận xét: “Với lạm phát, đó là một sự leo thang liên tục, không ngừng nghỉ”.

Áp lực giá cả đè nặng lên cách mọi người nhìn nhận về những thứ khác. Nhiều người Mỹ tin rằng nền kinh tế đã rơi vào suy thoái, dù thực tế rất khó xảy ra, dẫu cho tăng trưởng GDP quý I bất ngờ giảm 1,5%.

Suy thoái chưa tới nhưng ai cũng sợ

Đầu tháng 6, CEO JPMorgan - Jamie Dimon đã cảnh báo về một “cơn bão” kinh tế đang ập đến. Ông lập luận rằng Fed đang thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán và chiến sự Nga - Ukraine đang tác động mạnh lên giá hàng hóa.

“Hiện tại, trời nắng đẹp, mọi thứ diễn ra suôn sẻ và mọi người tin Fed có thể giải quyết vấn đề này”, ông Dimon nói. “Tuy nhiên, cơn bão đang ở ngay ngoài kia, đang trên đường đến chỗ chúng ta. Còn chúng ta thì không biết đó là bão nhỏ hay siêu bão Sandy”.

Tương tự “dự cảm chẳng lành” của Elon Musk, CEO JPMorgan cũng đang bị cuốn vào tâm trạng hiện tại của nhiều người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư, rằng Mỹ sắp bị suy thoái kinh tế.

Bất chấp nỗi lo là vậy, suy thoái vẫn khó xảy ra. Ông Zandi cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có khả năng tránh được suy thoái trong tương lai gần. “Chúng ta chỉ cần một chút tiến triển về dịch bệnh và cuộc chiến ở Ukraine cũng như những bước đi khéo léo từ Fed [là đủ để né suy thoái]”, vị chuyên gia cho hay.

 

Hơn nữa, một số người cho rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một thời điểm chuyển tiếp. Đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 diễn ra quá nhanh chóng, giờ đây mọi thứ phải đi chậm lại.

Ông Ataman Ozyildirim - Giám đốc cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Conference Board, cho biết: “Chúng ta vừa trải qua một cuộc suy thoái trong đại dịch và đã phục hồi rất nhanh. Giờ, tăng trưởng kinh tế cần phải bước vào giai đoạn bình thường hóa”.

“Đây là thời điểm của một cuộc điều chỉnh và tất nhiên, mọi người không thích sự thay đổi. Vì lẽ đó, họ trở nên lo lắng và bất an”, ông Ozyildirim nhấn mạnh.

Kinh tế Mỹ vẫn còn vững mạnh

Cảm giác sợ hãi của công chúng Mỹ lan rộng đến mức một số người có thể ngạc nhiên khi biết rằng nhiều khía cạnh của nền kinh tế nói chung vẫn đang ở trong tình trạng tốt, Vox lưu ý.

Tỷ lệ thất nghiệp đang khá thấp và thị trường lao động vẫn ổn định. Số lượng việc làm đăng tuyển mới đang ở mức gần kỷ lục và nhiều người lao động dễ dàng tìm kiếm cơ hội tốt hơn so với trước.

Bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình và doanh nghiệp rất mạnh. Biên lợi nhuận của một số công ty đi xuống nhưng không phải thảm họa.

Thị trường chứng khoán đang chững lại nhưng rắc rối dường như tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ. Các nhà đầu tư chứng khoán vẫn giàu có hơn so với 5 hay 10 năm trước.

Trong khi Elon Musk và Jamie Dimon thể hiện thái độ bi quan về nền kinh tế Mỹ, thì một đồng nghiệp giàu có khác của họ - cựu CEO Goldman Sachs là ông Lloyd Blankfein lại có quan điểm trái ngược.

Đầu tháng này trên Twitter, ông Blankfein đã kêu gọi mọi người nên bình tĩnh. Có thể nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn “rủi ro hơn”, nhưng tình hình sẽ ổn hơn về sau, ông nhấn mạnh.

“Hãy bớt lo lắng về triển vọng kinh tế. Nếu đang quản lý một công ty lớn, lẽ dĩ nhiên tôi phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Song, nền kinh tế của chúng ta đang đứng ở một vị trí tốt, đa dạng việc làm và chỉ mới bắt đầu nâng lãi suất”, cựu CEO Goldman Sachs trình bày.

Yên Khê