|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh doanh sáng tạo vượt 'bão' dịch

07:50 | 03/09/2021
Chia sẻ
Trong những ngày giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã ghi nhận nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo của các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Kinh doanh sáng tạo vượt 'bão' dịch - Ảnh 1.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Lazada).

Theo các chuyên gia, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường.

Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Bình Minh, Đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu kể từ năm 2020.

Nhưng chính bởi trải nghiệm qua dịch bệnh, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên thể hiện tinh thần vượt khó, băng qua với nhiều thành công nhờ vào sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Được coi là công cụ hiệu quả để vượt qua những tác động khủng hoảng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội, thích nghi thành công với kinh doanh trực tuyến, vượt khó đạt mức tăng trưởng hàng trăm phần trăm.

Ông Minh dẫn chứng, mới đây, VECOM vừa giới thiệu Dự án Tạp hóa số chuyên trang cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu bằng mạng lưới cửa hàng tạp hóa ra cộng đồng; trong đó, có sự tham gia của hầu hết các nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ...

Rất nhiều trong số đó đã thực sự lấy lại được nhịp độ, việc kinh doanh cũng dần đi vào ổn định, thích nghi hơn với bối cảnh mới khi lệnh giãn cách ở nhiều địa phương tiếp tục phải kéo dài.

Một trong những thành viên thuộc dự án, Đại diện Nhà phân phối Tiến Minh cho hay, vấn đề lưu thông, vận chuyển hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn, nguồn hàng bị "đứt gãy" do sự hạn chế lưu thông và vận chuyển khi phải thực hiện các chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh được chính quyền các địa phương liên tục công bố.

Thêm nữa, sự thiếu nhất quán giữa các địa phương giáp ranh về nội dung văn bản hạn chế di chuyển đối với từng khu vực đã kéo tới tình trạng ùn tắc hàng hóa. Tham gia dự án Tạp hóa số là cách làm hay,  mô hình sáng tạo và cũng là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các tiểu thương tại những chợ kinh doanh truyền thống có thể tiếp tục hoạt động và duy trì kênh thương mại. Hy vọng dự án Tạp hóa số sẽ hỗ trợ cho Tiến Minh cũng như toàn mạng lưới hệ thống tạp hóa chuyển đổi số hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng hiện nay.

Là CEO của thương hiệu thời trang IVY moda, bà Lê Thị Ngọc Linh cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần này có ảnh hưởng khác hoàn toàn với các đợt dịch hồi tháng 4 năm nay hay tháng 8/2020. Đó là sự ảnh hưởng dài và bền bỉ. Vì thế, ban lãnh đạo doanh nghiệp đang giữ phương thức cân bằng động khi ứng phó với các vấn đề gặp phải; đồng thời, theo dõi sát diễn biến của dịch COVID-19 để điều chỉnh hoạt động bán hàng mỗi ngày.

"Với doanh nghiệp bán lẻ như IVY thì việc chuyển đổi số rất quan trọng. Hệ thống bán hàng lớn đồng nghĩa chi phí lớn. Năm ngoái, IVY có sự bứt phá mạnh về mảng online nhờ vào việc tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada khi doanh số bán hàng offline giảm đến 70%. Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh đã khác. Thực sự nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài nữa, bắt buộc doanh nghiệp phải thu gọn hệ thống bán trực tiếp mới có thể cân bằng được hoạt động", bà Linh chia sẻ.

Trong các ngành sản xuất, đại diện CTCP Tinh Bột Xanh, Giám đốc Phạm Thế Hải cho biết, doanh nghiệp lại có hướng đi riêng. Dịch COVID-19 đã khiến thị trường xuất khẩu có thời điểm gần như tê liệt, hoạt động của doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

Song "trong cái rủi lại có cái may". Do đứt gẫy đơn hàng xuất khẩu, Tinh Bột Xanh có thời gian ngồi lại để tìm hiểu và nghiên cứu các dòng sản phẩm mới là nui và bánh canh sản xuất từ bột gạo. May mắn các sản phẩm này đã được thị trường nội địa chấp nhận.

Mặc dù hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang rất căng thẳng, song nhờ sự chuyển hướng sang phát triển các dòng sản phẩm thực phẩm mới nên tăng trưởng của doanh nghiệp đang lạc quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình xuất khẩu hiện cũng đã ổn định hơn, bên cạnh sản phẩm ống hút gạo, các sản phẩm mới của doanh nghiệp cũng đã được các đối tác từ châu Âu, Nhật Bản, Australia đặt hàng, ông Hải chia sẻ.

Dịch COVID-19 bùng phát đã và đang gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho hầu hết cộng đồng doanh nghiệp trong nền kinh tế; nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng lại là cơ hội để nhiều doanh nghiệp này thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới...

Nhận thấy cơ hội trong thách thức khi dịch COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tính tới phương án bán hàng, giao hàng online, làm các chương trình marketing để duy trì hình ảnh và thu hút khách hàng, anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng, đại diện Công ty Truyền thông Hmedia đã triển khai dự án "Ứng dụng marketing và công nghệ" để khởi nghiệp.

"Hmedia đã ra đời, tập hợp những bạn trẻ đam mê sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực marketing, qua đó hướng tới tư vấn xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua những gói digital marketing, các kênh truyền thông hiện đại, sáng tạo trên mạng xã hội Facebook, YouTube, Google…", anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng chia sẻ.

Với sự chủ động vượt khó và nỗ lực không ngừng nghỉ, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh "dám" đối đầu với thách thức để đổi mới mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm thích ứng với diễn biến khó lường của dịch COVID-19 đã tiếp tục khẳng định sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ngọc Quỳnh