|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm soát việc sử dụng hay 'khai tử' ngành rượu, bia?

07:34 | 07/11/2018
Chia sẻ
Nhiều ý kiến khác nhau đã được các đại biểu tham dự Hội thảo 'Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới các góc nhìn khác nhau' vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm làm rõ mục tiêu và tính khả thi trong việc xây dựng các quy định tại Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia mà Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo.
kiem soat viec su dung hay khai tu nganh ruou bia Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sắp trình ra Quốc hội
kiem soat viec su dung hay khai tu nganh ruou bia Đề xuất cấm bán rượu, bia qua mạng internet là không hợp lý
kiem soat viec su dung hay khai tu nganh ruou bia
Ảnh minh họa

Xác định mục tiêu kiểm soát rượu, bia

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, ba chính sách mang lại hiệu quả cao trong giảm tỷ lệ sử dụng và tác hại của rượu, bia là: hạn chế tính sẵn có và dễ dàng tiếp cận với đồ uống có cồn; chính sách thuế, giá nhằm tăng giá đồ uống có cồn; kiểm soát quảng cáo các sản phẩm.

Dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia được soạn thảo nhằm mục tiêu có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ, việc cung cấp cũng như giảm tác hại của rượu, bia. Trong đó, một điểm quan trọng là ưu tiên bảo vệ sức khoẻ của người dân, giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia.

Bình luận về Dự thảo này, TS. Phạm Tuấn Khải - Ủy viên Thường vụ TƯ Hội Luật gia Việt Nam - nhận xét, cách tiếp cận mà Bộ Y tế đưa ra chủ yếu theo quan điểm của y tế cộng đồng, trong khi các vấn đề được đề cập tại Dự thảo Luật có liên quan tới nhiều lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, văn hóa và du lịch mang tính truyền thống - dân gian…

Theo TS.Phạm Tuấn Khải, nên gọi đây là Luật Kiểm soát rượu, bia để rõ hơn mục tiêu, yêu cầu của cơ quan có chức năng quản lý phải tăng cường các biện pháp và có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, ngăn chặn và xử lý những hành vi bất hợp pháp và vô đạo đức trong việc sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm rượu, bia kém chất lượng.

Đồng thời, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hơn trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa, hợp pháp. Các tổ chức xã hội và cá nhân cũng có trách nhiệm tham gia cùng với cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát này, tùy theo vị trí và vai trò cụ thể của mình.

GS.TS Phan Thị Kim - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cũng hướng về quan điểm nên sửa là Luật Kiểm soát tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Trong đó, kiểm soát gắn liền với kiểm soát chất lượng - sản xuất - tiêu thụ.

Theo bà Kim, cần thường xuyên giáo dục phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng rượu, bia không kiểm soát, thay đổi nhận thức về sử dụng rượu, bia và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu không đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Thông qua Dự thảo Luật là “khai tử” ngành rượu, bia?

TS. Phạm Tuấn Khải cho rằng, tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chưa mang tính khoa học, cũng không trích dẫn số liệu chính xác. “Nếu thông qua Dự Luật này thì có nghĩa là tiêu diệt toàn bộ ngành rượu, bia. Ví dụ ở trang 5 tờ trình có nói tại Việt Nam, phí tổn kinh tế do rượu, bia gây nên ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng nhưng sang đến đầu trang 6 thì ngành rượu, bia chỉ nộp cho ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng thôi. Như vậy thì là thiệt hại lớn hơn đóng góp, ngành rượu, bia chả đem lại lợi ích gì cho xã hội à?” - ông Khải đặt câu hỏi.

Ông Đỗ Văn Vẻ - ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình – cũng cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo Luật lại tập trung vào hạn chế thương mại thay vì bảo vệ sức khỏe hay kiểm soát hành vi của người sử dụng rượu, bia. Ông đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét và đánh giá khách quan những điểm tốt của rượu, bia thay vì “khai tử” rượu, bia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Dự án Luật không nên chỉ gồm những điều luật hạn chế thương mại đơn thuần vì những điều này đã có trong Luật Thương mại và Luật Quảng cáo, nếu cần có thể sửa đổi điều luật trong những luật này.

Còn ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) băn khoăn, việc cấm người dưới 18 tuổi không được mua rượu, bia; cấm người ép người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia là khó khả thi. Ở đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa hiện tượng xảy ra rất nhiều, liệu có cấm được không? Hoặc trong hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công, theo Dự thảo quy định cấm sản xuất thủ công nhưng nếu đăng ký sản xuất kinh doanh thì được. Thực tế hiện nay có nhiều cá nhân, hộ gia đình sản xuất chỉ dùng cho bản thân và gia đình. Còn việc đề nghị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký xét nghiệm để sản xuất rượu mà tốn cả chục triệu dẫn đến hộ sản xuất thủ công trốn không đăng ký.

Các đại biểu, chuyên gia cũng cho rằng cần loại bỏ ra khỏi dự thảo quy định cấm bán rượu, bia trên internet, vì internet chỉ là một công cụ để thực hiện hành vi kinh doanh, nếu sản phẩm không bị cấm thì không có lý do gì không được dùng công cụ này để kinh doanh hợp pháp.

Xem thêm

Bách Linh