Cấm bán rượu trên mạng internet
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.
Việc sử dụng rượu, bia đang ở mức báo động
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là yêu cầu cần thiết để thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, đưa Nghị quyết số 20-NQ/TW vào cuộc sống.
Bộ trưởng cũng phân tích những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết. “Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia” – Bộ trưởng thông tin.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, thể hiện qua 3 tiêu chí: mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới, tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.
Về thực trạng sản xuất, kinh doanh và quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, Bộ trưởng thông tin, tại Việt Nam, rượu, bia là hai sản phẩm đồ uống có chứa cồn phổ biến, chiếm khoảng 99,7% thị phần, 0,3% còn lại là đồ uống có cồn khác được sản xuất, nhập khẩu hoặc nước giải khát pha chế thêm rượu, bia. Ngành rượu, bia nộp cho ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm (bao gồm cả nước giải khát thông thường) và tạo việc làm cho khoảng 220.000 lao động trực tiếp và gián tiếp, có mặt tại 44/63 tỉnh, có sự kết nối với các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ khác...
Dù vậy, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, bên cạnh những lợi ích do rượu, bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm, việc sử dụng rượu, bia nhiều và thường xuyên tại Việt Nam đang ở mức báo động, tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe và kinh tế - xã hội đang ngày càng trầm trọng và gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng tiêu thụ rượu, bia. Với những ảnh hưởng đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế, rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững .
Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy gánh nặng này ngày càng gia tăng ở những nước có mức tiêu thụ rượu, bia cao, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia ngày càng nhiều song lại thiếu đáp ứng kịp thời về chính sách, pháp luật.
Do đó, việc phòng chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Không được bán rượu, bia trên internet
Dự thảo Luật trình phiên họp gồm 7 chương và 38 điều. Luật điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 02 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 02 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự luật là đã dành riêng một điều để quy định về quản lý rượu thủ công, theo đó quy định lộ trình đến 01/01/2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp.
Về vấn đề này, thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nhận thấy, rượu thủ công (loại rượu do các hộ gia đình tự nấu), loại rượu gắn bó với tập tục của người Việt Nam, sản lượng và mức tiêu thụ khá lớn, dự kiến sẽ có nhiều ý kiến tranh luận nên rất cần sự đồng thuận và phải có lộ trình thực hiện.
Thường trực Ủy ban nhất trí cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công thông qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công; tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất rượu để kinh doanh và định hướng giảm dần tốc độ gia tăng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhưng phải đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính nhằm đạt được mục tiêu sản lượng rượu được kiểm soát, rượu có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe của rượu thủ công chưa rõ nguồn gốc xuất xứ; qua đó Nhà nước lại thu được thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề cho người từ bỏ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Nội dung đáng chú ý khác tại Dự thảo luật là đề xuất không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu trên mạng internet; không được bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra dự luật thống nhất quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, nhưng để đảm bảo tính khả thi, đề nghị bổ sung quy định về biện pháp thực hiện; quy định về giới hạn độ tuổi của người là nhân viên bán rượu, bia tại cửa hàng có kinh doanh rượu, bia.
Đối với quy định không được bán rượu, bia trên internet, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, để thống nhất với các quy định khác của Luật về “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia và để có thể kiểm soát được độ tuổi của người mua (rất khó có thể quản lý qua internet), việc Ban soạn thảo luật hóa quy định về cấm bán rượu qua internet của Nghị định 105/2017/NĐ-CP là cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung mặt hàng bia vào đối tượng không được bán trên internet, đồng thời nghiên cứu thêm những hình thức bán hàng tương tự như bán hàng qua internet phổ biến hiện nay ở Việt Nam như bán hàng qua điện thoại. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định không được bán rượu trên mạng internet không khả thi và cũng không đồng bộ với việc không cấm quảng cáo trên mạng internet.
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ lý do loại trừ cơ sở giáo dục đại học trong quy định về địa điểm không được bán rượu, bia.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng không phải rượu bia hoàn toàn có hại, mà chỉ khi lạm dụng mới có hại. Hơn nữa, mặc dù rượu và bia đều là hai loại đồ uống có cồn, tuy nhiên mức độ uống và tác hại của hai loại không hoàn toàn giống nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng về tên gọi cũng như một số nội dung quy định cụ thể về rượu và bia trong Dự luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, UBTVQH tán thành sự cần thiết của dự thảo luật; đánh giá đây là dự án Luật quan trọng, tác động lớn đến nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng về các chính sách trong dự án Luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 tới đây./.